MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua giải cứu hệ thống tài chính Mỹ 2007-2008: Khi Chính phủ vào cuộc

06-09-2016 - 11:34 AM | Tài chính quốc tế

Đầu tháng 3/2008, cổ phiếu của Bear Stearns, một ngân hàng đầu tư là nhà bảo đảm lớn của chứng khoán nợ dưới chuẩn, rớt giá mạnh.

Tình hình khủng hoảng trở nên nghiêm trọng tới mức chính phủ Mỹ buộc phải can dự cho dù đó là cuộc can dự bất đắc dĩ.

Từ giải cứu Bear Stearns…

Đầu tháng 3/2008, cổ phiếu của Bear Stearns, một ngân hàng đầu tư là nhà bảo đảm lớn của chứng khoán nợ dưới chuẩn, rớt giá mạnh sau khi xuất hiện thông tin rằng ngân hàng này đang gặp rắc rối gây vốn từ các thị trường cho vay qua đêm - địa chỉ mà tất cả các tập đoàn của Phố Wall dựa vào để lấy tài chính cho hoạt động giao dịch. Nhiều đối tác của Bear Stearns bắt đầu rút vốn trong khi giới chủ nợ yêu cầu ngân hàng này tăng tiền ký quỹ cho các khoản vay. Bear Stearns buộc phải dùng tới dự trữ tiền mặt. Đến chiều 15/3, có báo cáo rằng ngân hàng này chỉ còn lại 2 tỷ USD, không đủ để mở cửa hoạt động vào sáng hôm sau.

Học thuyết Bernanke không được chuẩn bị cho tình huống này. Khi Chủ tịch Bernanke và Tim Geithner, Giám đốc FED ở New York, được thông báo về vấn đề của Bear Stearns, họ cho rằng biện pháp tốt nhất là để Bear Stearns phá sản. Trong nhiều thập kỷ, FED kiên trì quan điểm tránh cho vay tiền các tập đoàn Phố Wall do lo ngại sự “đỡ lưng” của FED sẽ khuyến khích các ngân hàng liều lĩnh hơn - một vấn đề về “rủi ro đạo đức”. Bear Stearns không phải là một cái tên lớn của Phố Wall và sự sụp đổ của ngân hàng này sẽ ít có khả năng gây ra “mối đe dọa đối với toàn hệ thống”.

Tuy nhiên, đến cuối ngày hôm đó, sau khi giới chức từ FED ở New York và Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đánh giá sổ sách tài chính của Bear Stearns, quan điểm đã thay đổi. Bear Stearns là một thành viên trụ cột trong thị trường repo - một thị trường quan trọng để các ngân hàng kiếm tiền mặt trong ngắn hạn. Mỗi đêm, có khoảng 2.500 tỷ USD luân chuyển trên thị trường này. Bear Stearns còn là một “ông lớn” về hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS - về cơ bản là một dạng hợp đồng bảo hiểm chứng khoán, người mua bảo hiểm trả một khoản tiền để đảm bảo nhận lại khoản bù đắp trong trường hợp chứng khoán của họ bị vỡ nợ). Một số báo cáo cho rằng Bear Stearns trao đổi CDS với hơn 5.000 đối tác. Nếu ngân hàng này vỡ nợ, tác động đánh vào thị trường repo và CDS sẽ là không thể tưởng tượng được.

2 giờ sáng ngày 16/3, Giám đốc Geithner gọi điện cho ông Don Kohn - Phó Chủ tịch FED - để nói rằng ông không tự tin có thể kiểm soát hậu quả nếu Bear Stearns thực sự phá sản. Hai tiếng sau đó, ông Bernanke nhận một cuộc gọi khác từ Giám đốc Geithner, hai bên nhất trí rằng FED sẽ phải can thiệp. Ngân hàng Trung ương sẽ cấp một khoản vay 28 ngày cho J.P. Morgan, ngân hàng thanh toán bù trừ của Bear Stearns, để chuyển số tiền này cho Bear Stearns. Quyết sách trên lấy cơ sở từ Mục 13(3) của Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1932 cho FED được quyền cho vay tín dụng đối với các thể chế tài chính trong “các trường hợp khẩn cấp bất thường”.

Bear Stearns trụ vững qua ngày giao dịch 16/3, song Chủ tịch Bernanke và Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson nóng lòng tìm kiếm một giải pháp vững chắc hơn trước khi các thị trường châu Á mở cửa vào tối 18/3. Sau nhiều phiên thương thảo căng thẳng suốt 2 ngày cuối tuần, J. P. Morgan đồng ý mua lại Bear Stearns với giá “gần như cho” 2 USD/cổ phiếu song với điều kiện FED phải tiếp nhận danh mục chứng khoán nợ dưới chuẩn trị giá 29 tỷ USD của ngân hàng này.

Đi kèm với quyết định giải cứu Bear Stearns, FED cũng công bố cắt lãi suất chiết khấu thêm 0,25 điểm phần trăm đồng thời cho biết sẽ mở cửa sổ chiết khấu đối với 20 tập đoàn Phố Wall trong ngắn hạn, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. FED tin rằng không có nhiều lựa chọn ngoài việc để các ngân hàng đầu tư vay tiền từ FED tương tự như các ngân hàng thương mại.

… đến Freddie Mac và Fannie Mae

Năm 2007, chứng khoán hóa các khoản vay mua nhà chủ yếu nằm trong tay Hiệp hội vay thế chấp quốc gia (Fannie Mae) và Tập đoàn vay mua nhà trả góp liên bang (Freddie Mac). Do đó, giống như các tập đoàn Phố Wall, Fannie và Freddie hứng chịu thua lỗ nặng từ danh mục cho vay khổng lồ, và rất nhiều nhà phân tích Phố Wall tin rằng hai công ty đang trên bờ vực mất khả năng thanh toán. Fannie và Freddie chịu trách nhiệm cho các khoản nợ trị giá khoảng 5.300 tỷ USD trong tổng số 12.000 tỷ USD của thị trường vay nợ mua nhà tại Mỹ. Và mặc dù về mặt kỹ thuật, đây là hai công ty tư nhân, hoạt động của Fannie và Freddie được chính phủ Mỹ bảo trợ. Nếu hai “cột trụ” này sụp đổ, mức độ tín nhiệm tín dụng của toàn chính phủ sẽ bị lung lay.

Ngày 13/7, trả lời phóng viên bên ngoài Bộ Tài chính, Bộ trưởng Paulson cho biết ông sẽ xin phép Quốc hội để đầu tư vào Fannie và Freddie trong khi vẫn giữ hai công ty này là công ty cổ phần tư nhân. Trong thời gian chờ quyết định của Quốc hội, ngân hàng trung ương sẽ đảm bảo nguồn tài chính cho Fannie và Freddie bằng cách cho vay qua cửa sổ chiết khấu. Tuy nhiên, 5 tuần sau khi Quốc hội “bật đèn xanh” cho đề xuất trên, Fannie và Freddie tiếp tục gặp khó khăn trong gây vốn. Bộ trưởng Paulson và Chủ tịch Bernanke quyết định phương án tốt nhất là chính phủ sẽ đứng ra tiếp quản. Ngoài việc xóa bỏ mối đe dọa phá sản đang “lơ lửng”, bước đi này cũng sẽ cho phép chính phủ mở rộng hoạt động cho vay của hai tập đoàn này và giúp ổn định giá nhà đất.

Ngày 7/9, trước phiên mở cửa đầu tuần của các thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Paulson thông báo kế hoạch “cứu” Fannie và Freddie của chính quyền liên bang với chi phí có thể lên tới 200 tỷ USD. Đây là một trong những vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử tài chính Mỹ.

Ngày hôm sau, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng gần 300 điểm. Và trái với “cơn lũ” chỉ trích từ thương vụ Bear Stearns, quyết định lần này trái lại nhận được nhiều ủng hộ. Tỷ phú Mỹ Warren Buffet cho rằng đây là “quyết định chính xác tuyệt đối đối với nước Mỹ”. Ngay cả “Wall Street Journal”, tờ báo trước đó vẫn chỉ trích hai ông Paulson và Bernanke, cũng công nhận quyết sách trên. 

Theo Trần Ngọc

Báo tin tức

Trở lên trên