MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua trong ngành thiết bị sản xuất chất bán dẫn đang 'nóng' lên

29-04-2023 - 09:46 AM | Tài chính quốc tế

Ảnh minh họa: Bloomberg

Ảnh minh họa: Bloomberg

Trang mạng eastasiaforum.org vừa có bài viết nhận định các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ sản xuất bán dẫn đã được mở rộng, sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan kết thúc các cuộc đàm phán song phương vào tháng Ba.

Theo bài báo, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu theo khuyến nghị nêu trong báo cáo mới nhất của Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo (AI).

Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ hồi đầu tháng 10/2022 đã ban hành các quy định mới, dự kiến đối mặt với nhiều ý kiến phản đối từ các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn. Mặc dù phía chính phủ khẳng định các biện pháp được thiết kế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ và đảm bảo an ninh quốc gia, song giới quan sát nhận định các quy định này phản ánh sự cạnh tranh ngày một gay gắt trong ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.

Theo số liệu năm 2019, Mỹ chiếm 17% tổng xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, xếp sau Nhật Bản (28%), và theo sát là Hà Lan (17%), Singapore (10%) và Hàn Quốc (10%). Mỹ chiếm ưu thế trong quy trình thiết kế vi mạch, nhưng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Hà Lan và Nhật Bản trong quy trình sản xuất vi mạch. Mỹ cũng không có thị phần đáng kể trong quy trình thử nghiệm và đóng gói vi mạch.

Bản chất cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đặc biệt nổi bật trong thiết bị in thạch bản. Công ty Hà Lan ASML Holding NV đang thống trị thị trường này với kim ngạch xuất khẩu trị giá 11,8 tỷ USD vào năm 2022. Dự kiến ASML sẽ ghi nhận  tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10% và đạt kim ngạch sản xuất 18 tỷ USD vào năm 2025.

Các động thái hiện tại nhằm ngăn cản Hà Lan và Nhật Bản xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc cũng có thể dẫn đến những biến động về thị phần, tùy thuộc vào biện pháp kiểm soát xuất khẩu nào được thực hiện. Sau nhiều tháng cân nhắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ, ASML thông báo sẽ ngăn chặn việc bán các mẫu thiết bị bán dẫn cụ thể cho một quốc gia giấu tên.

Về phần mình, Nhật Bản đã bày tỏ ý định tham gia kiểm soát xuất khẩu, công bố các cơ chế kiểm soát xuất khẩu từ tháng Ba vừa qua. Tùy thuộc vào cách Nhật Bản thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu, các công ty Canon và Nikon của nước này có thể tìm cách khôi phục hoạt động kinh doanh in thạch bản của họ. Các công ty này từng phát triển rất mạnh trên thị trường này, nhưng đã mất đi ưu thế khi họ tập trung phát triển ống kính máy ảnh.

Theo H.Thủy

Báo Tin tức

Trở lên trên