MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống của người dân khó khăn, cơ bản cũng chỉ xuất phát từ 2 nguyên nhân này

Ngoài thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền công, tiền lương, trong 7 tháng đầu năm, có 10% hộ gia đình được phỏng vấn nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau.

Tổng Cục Thống kê vừa có báo cáo về đời sống cư dân và các nhân tố ảnh hưởng đến đời sống cư dân trong tháng 7. Theo khảo sát, tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 7 ở mức ổn định so với tháng trước. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,5% (giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 6/2023); tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,5%.

Ngoài thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền công, tiền lương, trong 7 tháng năm 2023, có 10% hộ gia đình được phỏng vấn nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ họ hàng, người thân là 6,5%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 3,4%; từ các chương trình, chính sách chung của Quốc gia là 3,1%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 1,7% và 0,03% từ các nguồn khác.

Bên cạnh những tác động tích cực, vẫn tồn tại những yếu tố có tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân trong tháng 7 năm nay.

Trong tháng 7, thu nhập của người dân giảm. Nguyên nhân chính làm cho thu nhập giảm được các hộ gia đình đánh giá phần lớn là do các thành viên trong hộ gia đình bị mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc. Cụ thể, 39,5% hộ gia đình có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc; đối với các hộ gia đình có sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế hộ gia đình thì có 23,9% hộ đánh giá do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng và 22,3% hộ đánh giá do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm.

Về tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống trong 7 tháng năm 2023 được các hộ gia đình đánh giá có nguyên nhân chủ yếu do chịu ảnh hưởng của giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao. Cụ thể, 30,4% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 5,5% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 2% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

Khó khăn chung của nền kinh tế, gần 40% hộ gia đình tại Việt Nam có thành viên bị mất việc làm, tạm nghỉ việc - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng Cục Thống kê

Giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến đời sống dân cư trong tháng 7 năm nay thể hiện ở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI tháng) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06% chủ yếu do tăng giá ở các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm và tăng giá điện sinh hoạt.

Đầu tiên là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63% (làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm). Trong đó, lương thực tăng 0,31%. Chỉ số nhóm gạo tăng 0,24% (Gạo tẻ thường tăng 0,28%; gạo tẻ ngon tăng 0,14%; gạo nếp tăng 0,1%) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, các quốc gia tích cực thu mua gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu. Điều này đã khiến cho cho CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm).

Thực phẩm tăng 0,79% làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39% tác động làm CPI tăng 0,03 điểm phần trăm do nhu cầu tăng cao theo mùa du lịch.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên. Giá điện sinh hoạt tháng 7 tăng 3,87%; giá nước sinh hoạt tăng 0,47%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng giải khát tăng lên trong mùa hè. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,18% do nhu cầu mua sắm vào mùa hè tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%.

Nhóm giao thông tăng 0,11% do đang mùa cao điểm du lịch nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 5,5%. Theo báo cáo, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 26,17%; đường sắt tăng 3,96%; taxi tăng 0,09%; xe buýt tăng 0,02%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% chủ yếu do nhóm thuốc giảm đau; thuốc hạ sốt; thuốc chống viêm không steroid và thuốc điều trị gout; xương tăng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng; nhóm giáo dục tăng 0,03% do một số địa phương tăng học phí mầm non.

Theo Pha Lê

Phụ nữ số

Trở lên trên