MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cương quyết với các dự án đầu tư công chậm giải ngân

Các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó, các giải pháp được nhiều địa phương áp dụng là xem xét trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển vốn với các dự án không đạt tiến độ.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan lập danh mục dự án trọng điểm, tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp cụ thể; định kỳ 2 tuần/lần rà soát và báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải ngân kế hoạch đầu công; thực hiện các dự án khởi công mới, dự án hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Trong năm 2020, UBND thành phố đã giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng số vốn phân bổ chi tiết là 33.940,764 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và 7.751,082 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Tính đến hết tháng 5/2020, vốn ngân sách thành phố đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố là 5.295,997 tỷ đồng, đạt 15,6% tổng kế hoạch vốn do UBND thành phố giao (33.940,764 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ là 3.051 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,5%). Vốn ngân sách Trung ương giải ngân trong tháng 5 năm 2020 là 3.184,266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,1% tổng kế hoạch vốn do UBND thành phố phân khai chi tiết (7.751,082 tỷ đồng).

UBND thành phố nhấn mạnh: Người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân, đảm bảo đến ngày 30/6 giải ngân đạt từ 50%; đến ngày 31/7 giải ngân đạt từ 60% -70% và đến ngày 15/10 giải ngân đạt từ 80%. Kết quả giải ngân này là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân; tham mưu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

UBND thành phố sẽ điều chỉnh Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 quy định về quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố, đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công 2019; đồng thời kiến nghị Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công của thành phố trong điều kiện bình thường mới.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của tất cả các quận huyện. Từ năm 2021, trình trước ngày 31/12 của năm kế hoạch, đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng như Quy định về công tác phối hợp tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tại Kiên Giang, tính đến cuối tháng 5/2020, giá trị giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh chỉ đạt 1.024 tỷ đồng, bằng 16,7% kế hoạch năm 2020, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này là do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiếu công nhân lao động, các dự án, công trình tạm ngừng khởi công, thi công xây dựng. Tiếp đến, do ảnh hưởng của hạn mặn diễn biến phức tạp kéo dài, nhiều tuyến sông, kênh xáng trên địa bàn phải đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt gây cản trở, khó khăn cho phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nên khá nhiều dự án, công trình chậm tiến độ.

UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thành lập Tổ công tác kiểm tra các dự án, công trình xây dựng ở các cơ quan, đơn vị và địa phương; đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản và tỷ lệ giải ngân.

Tỉnh cũng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu sẽ xem xét điều chuyển vốn, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và người đứng đầu đơn vị đó cũng bị xử lý trách nhiệm.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư công sâu sát với từng công trình, dự án đã được cân đối, bố trí vốn, nhất là đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện những công trình trọng điểm như: Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Cảng Rạch Giá, Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng 3 vùng du lịch trọng điểm, hồ điều tiết nước Dương Đông, các dự án công trình ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tại Bình Thuận, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành về việc tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020; xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho thấy, tỷ lệ giải ngân đến giữa tháng 5/2020 đạt rất thấp. Cụ thể, việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm trước chuyển sang 2020 đạt 5,5% kế hoạch. Thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2020; trong đó, kế hoạch vốn ngân sách tập trung tỉnh đạt 27,42%, kế hoạch vốn xổ số kiến thiết đạt 13,35%.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời theo thẩm quyền quy định đối với các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các dự án gặp khó khăn vướng mắc theo 3 nhóm. Đó là, nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục xây dựng, đấu thầu; nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; nhóm các dự án vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời, phù hợp với từng nhóm vấn đề.

Tại Quảng Ninh, ngày 15/6, tại cuộc họp giao ban Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án chuyển tiếp giải ngân 0%, các dự án chậm do quyết toán.

Theo sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 15/6, tỉnh mới giải ngân được trên 4.100 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư công, bằng 25,6% kế hoạch năm 2020. Đây là tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu của tỉnh đề ra là hết tháng 6 giải ngân 50% và hoàn thành 100% trong tháng 9/2020.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực trên 16.000 tỷ đồng, tương đương với 55,6% tổng chi ngân sách dành cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công khá chậm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng yêu cầu kiên quyết thực hiện điều hòa tổng nguồn vốn trên 1.100 tỷ đồng đối với 4 dự án giải ngân đạt 0%, 3 dự án giải ngân dưới 10% và 31 dự án có tiến độ giải ngân dưới 30%.

Nguồn vốn này sẽ được chuyển sang các dự án đã có khối lượng để giải ngân và các dự án trọng điểm như: Đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; dự án đầu tư xây dựng cầu Triều và đường dẫn nối quốc lộ 18 trên địa bàn thị xã Đông Triều với đường tỉnh 338 tỉnh Hải Dương và dự án cầu Cửa Lục 1…

Cùng với đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục rà soát tiến độ giải ngân các dự án sau mốc thời gian 30/6. Nếu dự án nào không đạt tiến độ sẽ tiếp tục điều chuyển vốn và thực hiện điều chỉnh quy mô dự án. Các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách cấp huyện, cấp xã không đạt tiến độ giải ngân phải điều chỉnh thời gian thực hiện.

Theo Thành Đạt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên