Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ: Dưới thời Tổng thống Trump, Việt Nam có thể là đối tác thương mại quan trọng tiếp theo của Mỹ
Đối với Mỹ, việc tăng cường quan hệ với Việt Nam sẽ làm giảm các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, mở ra các thị trường xuất khẩu mới và củng cố khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
- 22-12-2024Fed thận trọng trước chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump
- 21-12-2024Bất chấp cam kết, EU vẫn chi cả tỷ euro mỗi tháng cho mặt hàng từ Nga: Ông Trump ra "tối hậu thư"
- 21-12-2024Ông Trump cảnh báo sẽ đánh thuế nếu EU không chịu làm điều này
Đại sứ Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từ năm 2019-2021, có bài viết trên trang National Interest về tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng tôi xin trích lược bài viết này
Thế kỷ 21 được định nghĩa bằng sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế toàn cầu, nơi sự thịnh vượng của các quốc gia ngày càng gắn liền vào thương mại, đầu tư và đảm bảo chuỗi cung ứng xuyên suốt qua biên giới. Thực tế này khiến các quyết định về kinh tế không thể tách rời khỏi các toan tính về chính trị.
Đối với Mỹ, việc thích ứng với các động lực kinh tế và địa chính trị đan xen này có ý nghĩa quan trọng để duy trì vị thế là cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới. Khi cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gay gắt, Mỹ phải ưu tiên xây dựng các mối quan hệ thương mại bền vững với các đối tác chiến lược và Việt Nam đang sẵn sàng trở thành một đồng minh thương mại quan trọng.
Hiện Mỹ đang đối mặt với cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc. Trong thời gian quá dài, Trung Quốc bị cáo buộc đã liên tiếp có hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, thao túng tài chính, ngoại giao cưỡng bức và gián điệp kinh tế mà không phải đối mặt với hệ quả liên quan. Những hoạt động này làm suy yếu sự ổn định kinh tế toàn cầu và đe dọa đến hệ thống quốc tế vốn đóng vai trò thúc đẩy sự thịnh vượng trong nhiều thập kỷ.
Washington đã thực hiện các bước quan trọng để xoay chuyển tình huống, nhưng để đạt được tiến bộ thực chất đòi hỏi phải có sự phối hợp với các đối tác cùng chí hướng.
Khu vực tư nhân đã bắt đầu có sự điều chỉnh. Đối mặt với chi phí tăng cao, các quy định chặt chẽ hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào cơ sở hạ tầng sản xuất của Trung Quốc. Xu hướng này tạo ra một cơ hội duy nhất để Mỹ xây dựng mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với các quốc gia cung cấp cả tiềm năng kinh tế và sự liên kết chiến lược.
Việt Nam hiện đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Việt Nam cũng nhận rõ sự cần thiết phải cân bằng mối quan hệ giữa các cường quốc.
Chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của tôi với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump là đến Việt Nam, Hà Nội đã đề nghị tổ chức chuyến thăm từ một tàu sân bay của Mỹ. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự hợp tác lớn hơn sẽ sớm diễn ra.
Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến hàng đầu thế giới cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Lực lượng lao động lành nghề, chi phí sản xuất cạnh tranh và cơ sở hạ tầng đang mở rộng đã thu hút các tập đoàn toàn cầu như Apple, Samsung, Nike, Adidas, Intel và Foxconn. Vị trí gần các tuyến vận chuyển chính và mạng lưới các hiệp định thương mại càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Về nhiều mặt, Việt Nam mang lại lợi ích tương tự như hệ sinh thái sản xuất của Trung Quốc mà không đi cùng rủi ro. Chính phủ Việt Nam đã tích cực theo đuổi các chính sách nhằm đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ký kết các hiệp định thương mại với Mỹ, Liên minh Châu Âu và các nền kinh tế quan trọng của Châu Á - Thái Bình Dương. Những nỗ lực này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Nhận ra những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện các bước quyết đoán để thúc đẩy quá trình tách rời kinh tế và khuyến khích đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một số thị trường, trong đó có Việt Nam, nhanh chóng nổi lên như lựa chọn thay thế được ưa chuộng, khi các công ty đẩy nhanh đầu tư vào các nhà máy và trung tâm hậu cần mới. Sự thay đổi do các tập đoàn dẫn đầu này đã đặt nền tảng cho quan hệ đối tác kinh tế Việt – Mỹ mạnh mẽ hơn.
Khái niệm "chuyển hoạt động sản xuất về các nước thân thiện" (friendshoring) - chuyển hoạt động sản xuất sang các đối tác đáng tin cậy - đã trở thành một nhu cầu chiến lược, không chỉ là một ưu tiên về kinh tế. Việc Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu sẽ làm giảm tình trạng dễ bị tổn thương đồng thời thúc đẩy sự ổn định kinh tế lâu dài.
Bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra về thương mại cũng phải đảm bảo các hướng dẫn chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc không thể chỉ hướng đến việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thông qua Việt Nam. Vấn đề này sẽ đòi hỏi rất nhiều sự hợp tác giữa cơ quan hải quan giữa 2 nước.
Lợi ích lâu dài của Việt Nam nằm ở việc thúc đẩy một hệ thống kinh tế cởi mở, dựa trên luật lệ được hỗ trợ bởi các mối quan hệ thương mại đa dạng. Bằng cách hợp tác với Mỹ, Việt Nam có thể tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu và đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng cho tương lai.
Việt Nam và Mỹ chia sẻ sự thống nhất về lợi ích chiến lược tại thời điểm quan trọng. Quan hệ đối tác thương mại toàn diện giữa 2 nước sẽ mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược chung. Đối với Mỹ, việc tăng cường quan hệ với Việt Nam sẽ làm giảm các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, mở ra các thị trường xuất khẩu mới và củng cố khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Đối với Việt Nam, việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu do Mỹ thúc đẩy sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Tất cả đang đứng trước bước ngoặt lớn. Nền kinh tế toàn cầu ngày càng nhạy cảm với các áp lực địa chính trị, với sự gián đoạn ở một khu vực thường gây ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn thế giới. Việc mở rộng mạng lưới các đối tác thương mại đáng tin cậy của Washington là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo thịnh vượng lâu dài.
Đây là cách giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21 - không phải thông qua sự cô lập hay phụ thuộc, mà thông qua các quan hệ đối tác chiến lược được xây dựng dựa trên lợi ích chung, sự tin tưởng lẫn nhau và cam kết về thị trường tự do và mở.
Việt Nam và Mỹ đang đứng trước cơ hội hiếm có để định hình lại bối cảnh kinh tế và chiến lược của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đã đến lúc nắm bắt cơ hội này.
Đời Sống Pháp Luật