Đã đến lúc thả nổi giá xăng dầu?
Trong khi chưa thể thả nổi hoàn toàn vẫn có những cách đưa giá xăng dầu tiệm cận thị trường như bỏ Quỹ Bình ổn giá, dừng áp đặt lợi nhuận định mức.
- 28-09-2018Thị trường ngày 28/9: Giá xăng dầu, gạo, cà phê tăng
- 26-09-2018Lại kiến nghị “thả nổi” giá xăng dầu theo thị trường
- 08-09-2018Giá xăng dầu ở nhiều quốc gia đang lên cao
Ngay sau khi một lãnh đạo Bộ Công Thương đề xuất nhà nước quản lý giá xăng dầu không nhất thiết bằng công thức tính giá cơ sở như hiện nay, đại diện bộ này đã lên tiếng đính chính đây không phải đề xuất của bộ. Tuy vậy, câu chuyện thời điểm nào trả giá xăng dầu về thị trường một lần nữa được khơi lại sau hàng chục năm bế tắc.
Nhiều tranh cãi
Nhiều luồng ý kiến cho rằng chưa nên vội vã đưa giá xăng, dầu về với thị trường bởi khó tránh cú sốc cho nền kinh tế. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, chỉ rõ các cơ quan quản lý muốn sớm đưa xăng dầu thành loại hàng hóa bình thường song vấn đề an ninh năng lượng buộc lộ trình thực hiện phải chậm lại. "Xu hướng chung là chúng ta mong muốn có nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ và vững vàng.
Thế nhưng, không thể vì vậy mà buông nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Chúng ta kiểm soát giá xăng, dầu đi kèm với bảo đảm dự trữ là để thực hiện mục tiêu đó" - ông Thịnh phân tích.
Doanh nghiệp vận tải lo thả nổi giá xăng dầu sẽ làm đội chi phí Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), không thể lấy lý do an ninh năng lượng làm rào cản làm chậm việc điều hành giá xăng dầu theo thị trường. "Có thể giao nhiệm vụ này cho các đơn vị có trách nhiệm trực thuộc Chính phủ. Họ sẽ phải bảo đảm các vấn đề về vật tư, kho dự trữ cũng như nguồn cung sao cho luôn đủ dự trữ theo yêu cầu. Gán cho một doanh nghiệp (DN) trách nhiệm này, đồng thời kiểm soát giá theo mệnh lệnh hành chính là làm trái với thị trường. Xu hướng "thả nổi" giá xăng, dầu là phù hợp khi nền kinh tế ngày càng xác lập rõ hơn tính chất thị trường" - ông Tiu nêu quan điểm.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho rằng thời gian qua dù chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường nhưng giá xăng, dầu đã dần tiệm cận với thị trường; không còn cách điều hành "méo mó" như 5-6 năm trước. Thị trường hiện tại tuy vẫn có nhiều biến động song không tạo nên những cơn sốt quá lớn. Vì vậy, đã đến lúc thả các mặt hàng năng lượng theo giá thế giới. "Cơ chế giám sát, can thiệp sâu tạo nên những khuyết tật. Khi đã trả giá về thị trường thì người dân sẽ chấp nhận, tin tưởng dù giá lên hay xuống" - ông Sơn nói.
Không nên bỏ ngay
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng khi chưa có đủ điều kiện đưa giá xăng về với thị trường thì vẫn có cách giúp giá bán lẻ giảm bớt các yếu tố phi thị trường. Cụ thể, trong cơ cấu giá bán lẻ có 3 yếu tố cần phải xem xét và điều chỉnh cho hợp lý là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), chi phí định mức và lợi nhuận định mức. "Từng bước tiến đến tự do hóa ở một số khâu, phân khúc thị trường chứ không phải toàn bộ thị trường xăng dầu. Nhà nước vẫn phải đứng ra bảo đảm an toàn an ninh năng lượng" - ông Thịnh nói thêm.
Giám đốc một DN xăng dầu ủng hộ việc bỏ kiểm soát giá xăng dầu song cho rằng chưa nên ngay lập tức loại bỏ giá cơ sở trong điều hành mà cần chuyển đổi dần. "Nếu đã kiên định thực hiện theo cơ chế thị trường thì việc nên làm là hướng tới bỏ công thức tính giá cơ sở. Nhà nước vẫn có thể điều hành giá bằng cách công bố giá định hướng tính theo diễn biến giá thế giới. DN tự cộng phần lợi nhuận, chi phí… để ra giá bán riêng. Khi đó, các DN sẽ phải nhìn nhau, tính cạnh tranh mạnh hơn, tất yếu người tiêu dùng được lợi" - vị giám đốc này góp ý.
TS Nguyễn Ngọc Sơn gợi ý cho phép từng DN tự tính giá thành, giá bán sản phẩm và chịu trách nhiệm với mức giá đó trước pháp luật cũng như người tiêu dùng. Nhà nước không can thiệp bằng công cụ hành chính mà chỉ giám sát bằng luật lệ. "Chúng ta đã có Luật Cạnh tranh để kiểm soát vấn đề độc quyền. Luật Giá cũng là công cụ góp phần kiểm soát giá. Công cụ bằng pháp luật đã có đủ rồi, tại sao phải can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính?" - ông Sơn thẳng thắn. Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, khi gỡ bỏ mệnh lệnh hành chính thì tự động thị trường sẽ hình thành nhiều mức giá cao, thấp khác nhau và vận hành ổn định, thành công.
Lộ trình riêng cho từng vùng, miền
TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng mỗi khu vực có sự phát triển khác nhau nên cần lưu ý chuyển đổi dần, xác định rõ vùng miền nào làm trước, vùng miền nào làm sau. Các vùng miền núi, dân tộc thiểu số địa hình phức tạp, đòi hỏi đầu tư cố định lớn, không hấp dẫn nhà đầu tư... vẫn cần nhà nước có chính sách hỗ trợ về giá, về lợi nhuận định mức... để DN an tâm cung ứng năng lượng. Các khu vực đô thị phát triển, đông dân, đường sá thuận lợi thì có thể bắt tay vào xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, đồng thời có cơ chế giám sát tốt. Nhà nước cũng không cần quá "nhọc lòng" giám sát bởi với sự phát triển mạnh của mạng lưới thông tin như hiện nay, người dân có thể tự tiếp cận thông tin và tự giám sát.
Sợ thả nổi thì giá tăng
Không đồng tình với phương án thả nổi giá xăng dầu, các công ty du lịch cho rằng hiện chi phí vận chuyển chiếm 20% - 40% giá tour, nếu thả nổi giá xăng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Tương tự, DN sản xuất xi-măng cũng đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để ổn định mặt hàng xăng dầu bởi chi phí vận chuyển chiếm 25% - 30% giá thành, xăng tăng liên tiếp đã đẩy giá xi-măng tăng lên 20.000 đồng/tấn. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, đề nghị phải có lộ trình, thời gian đủ dài để DN có kế hoạch cũng như cân đối hoạt động bởi nếu trả giá xăng dầu về với thị trường cộng thêm phí môi trường sẽ gây ra nhiều áp lực với ngành vận tải.
N.Hải
Người lao động