MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng sẽ cho lao động ngành du lịch vay vốn tối đa 100 triệu đồng/năm

Mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3 - 5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay vốn không thế chấp.

Đến thời điểm này, trong số hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động lĩnh vực du lịch ở TP Đà Nẵng đã có hơn 90% DN đóng cửa. Riêng 1.000 DN hội viên Hiệp hội Du lịch của thành phố này có đến gần 1/10 đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch Covid-19. Hiện, TP Đà Nẵng đang nghiên cứu để sớm có giải pháp hỗ trợ lao động ngành du lịch vay vốn không thế chấp từ 3 - 5 năm nhằm giúp tạo sinh kế duy trì cuộc sống.

Hè năm nay là mùa du lịch thứ 2 chị Nguyễn Thị Bảo Duyên, hướng dẫn viên tiếng Hàn ở thành phố Đà Nẵng không có việc làm. Thất nghiệp vì dịch Covid-19, đầu năm nay, chị Duyên dùng tiền tích cóp được học nghề, mở tiệm nail (tiệm làm móng) xoay sở mưu sinh. Nhưng trớ trêu, quán vừa mở được 1 tháng dịch bùng phát trở lại. Đảm bảo phòng chống dịch, chính quyền thành phố yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu vậy là chị chuyển qua bán hàng ăn vặt mang về, duy trì cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Bảo Duyên cho biết, mình đã nộp hồ sơ đăng ký vay vốn theo chủ trương của thành phố và mong muốn nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ để tiếp tục kế sinh nhai, chờ đến khi du lịch hoạt động trở lại.

“Chúng tôi mong muốn Hiệp hội Du lịch cũng như thành phố tạo điều kiện cho chúng tôi ổn định cuộc sống qua hình thức vay vốn. Ngoài ra, cũng mong muốn thành phố phối hợp với các khu công nghiệp, văn phòng công ty đang hoạt động để có thể giới thiệu công việc cho những người hướng dẫn viên, hay mở những lớp dạy nghề, định hướng nghề miễn phí để giảm thiểu được tình trạng thất nghiệp”, chị Duyên đề nghị.

Chịu tác động từ 4 đợt dịch Covid-19, ngành du lịch của TP Đà Nẵng tổn thất to lớn, hoàng loạt cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành đều trong tình trạng đóng cửa, ngừng hoạt động. Sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Công ty lữ hành Việt Nam TravelMart đang phải cầm cự để giữ chân đội ngũ nòng cốt. Thay vì cho nhân viên đi làm đầy đủ thì giờ các nhân viên chia ca đi làm các ngày trong tuần.

Anh Nguyễn Hồng Phúc, nhân viên Công ty Việt Nam TravelMart tại Đà Nẵng cho biết, công ty đã trải qua 4 đợt dịch, giờ muốn chuyển sang ngành nghề khác cũng không được nữa vì ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng, trong đó du lịch bị ảnh hưởng rất nặng. “Qua gói hỗ trợ này, hy vọng sẽ giúp cho người lao động ngành du lịch sẽ cầm cự để vượt qua những giai đoạn khó khăn”, anh Phúc mong muốn.

Tổng số lao động du lịch ngừng việc, nghỉ việc đến thời điểm này tại TP Đà Nẵng khoảng hơn 31.800 người, chiếm 62,5% tổng số lao động du lịch. Rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố để hỗ trợ người lao động ngành du lịch trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Hiện, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao cho các Sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3 - 5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay vốn không thế chấp.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, hiện đã có khoảng 2.000 người làm việc trong ngành du lịch đăng ký vay vốn. Chính sách hỗ trợ vay vốn của TP Đà Nẵng như chiếc phao cứu sinh được ban hành đúng lúc, kịp thời để người lao động lẫn doanh nghiệp du lịch vượt qua khốn khó mùa dịch.

“Hy vọng người lao động ngành du lịch sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay này ngay trong tháng 6/2021, để vượt qua được khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của Hiệp hội Du lịch cũng như Quỹ Xúc tiến phát triển Du lịch thành phố, vừa giúp lao động vượt qua khó khăn vừa giúp DN có điều kiện giữ lao động phục hồi với tiến độ phòng chống dịch”, ông Dũng khẳng định./.

Theo Phương Cúc

VOV

Trở lên trên