Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Lo hình thành nhiều Vũ "nhôm" trong quá trình cổ phần hoá
Đại biểu tỉnh Bến Tre phản ánh có hiện tượng cài cắm trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp. Điều này, có thể dẫm vào vết xe đổ của những sự vụ trước đó.
- 27-10-2018Yêu cầu tính toán, cân đối vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao
- 26-10-20185 đột phá đổi mới của Chính phủ
- 26-10-2018Đầu tư hơn 5.700 tỷ vào cảng biển, Trung ương thu về trên 90.000 tỷ
- 26-10-2018Moody’s: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc với triển vọng lạc quan
Phát biểu tại Nghị trường sáng nay, 27/10, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu tỉnh Bến Tre bày tỏ lo ngại về quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, cũng như tiến trình của 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công thương.
Ví dụ như nhà máy Đình Vũ, ông cho biết hiện nguyên liệu đầu vào và đầu ra đều đến từ thị trường miền Nam, trong khi nhà máy ở miền Bắc. Vì vậy, cứ 1 tấn sản phẩm phải mất 1 triệu đồng tiền công vận chuyển, dẫn đến khấu hao 1 năm mất 550 tỷ trong khi bình thường chỉ là 370 tỷ.
"Như vậy làm thế nào để ra tiền?", ông đặt câu hỏi và nhấn mạnh đây là một trong những dự án cần sự quyết liệt.
Hay với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương đã có chỉ đạo, bản thân doanh nghiệp cũng muốn cổ phần hoá để có tiền đầu tư giai đoạn mới. Thành phố Thái Nguyên cũng có ý kiến nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn "để đấy". Điều này khiến cho nhà nước, doanh nghiệp, người lao động đều thiệt hại.
"Tôi đề nghị dự án nào không thực hiện được thì cho phá sản, dự án nào cổ phần hoá được, bán được, cho thuê được thì phải làm ngay, tránh thất thoát tài sản nhà nước", ông Nhưỡng nói.
"Dư luận cho rằng khả năng có hiện tượng các dự án cứ để đấy để giảm bớt khấu hao để mua rẻ tài sản nhà nước. Cuối cùng, chỉ có nhà nước và người dân thiệt thôi", ông cho biết thêm.
Mặt khác, ông Nhưỡng cũng phản ánh hiện tượng cài cắm trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp và bày tỏ lo ngại chỗ này có thể tạo ra một số Vũ "nhôm" khác. Theo đó, ông đề nghị các cơ quan vào cuộc.
Trước băn khoăn của đại biểu về 12 dự án thua lỗ ngành Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có phần trả lời khi được Quốc hội chỉ định phát biểu.
Theo Bộ trưởng, 12 dự án đã được triển khai tích cực và toàn diện theo đề án của Chính phủ theo lộ trình năm 2018 – 2019 sẽ xử lý triệt để các vấn đề tồn tại, đến năm 2020 sẽ kết thúc.
"Nội dung cụ thể liên quan đến nhiệm vụ đã nêu rõ trong báo cáo được gửi từ đầu nhiệm kỳ. Chúng tôi cũng đã định ra 3 – 4 nguyên tắc lớn", ông nói.
Theo đó, các dự án được giải quyết theo đúng nguyên tắc thị trường, không thêm vốn nhà nước, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị đầu tư…
Tính đến nay, có 6 dự án phải dừng kinh doanh vì không có hiệu quả, 2 dự án có hiệu quả tích cực, không lỗ và đã có lãi. Như vậy, xem xét các tiêu chí, có 2 dự án có thể được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.
"Chúng tôi tiếp tục thực hiện trong thời gian tới", Bộ trưởng nói. Theo ông, 3 dự án tiếp theo tại Bình Phước đã khôi phục được hoạt động, chuẩn bị cơ hội tham gia vào thị trường.
Những dự án phức tạp như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam có những vấn đề liên quan đến công nghệ, thậm chí là vi phạm pháp luật ở nhiều góc độ thì đã có sự vào cuộc của các cơ quan điều tra.
"Chúng tôi sẽ cập nhật và báo cáo đầy đủ. Những báo cáo về nội dung này được làm rất đồng bộ, toàn diện, kể cả xem xét trách nhiệm về mặt pháp luật, hình sự với các cá nhân tổ chức liên quan, đảm bảo công bằng trước pháp luật và không xảy ra trong tương lai", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trí Thức Trẻ
- Quốc hội quyết chi ngân sách Trung ương 2019 hơn 1 triệu tỷ đồng
- Chi 16.200 tỷ đồng cải cách tiền lương, tinh giản biên chế trong 2019
- Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Chúng ta có nhiều bài học 'xương máu'
- Chiều nay Quốc hội biểu quyết thông qua CPTPP
- Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Không thể có đại học vô chủ!"