MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Với tiêu chí như hiện nay, nhà thầu Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông

Ngay cả các nhà thầu hàng đầu của Cộng hòa Liên bang Đức cũng khó đáp ứng được các yêu cầu về xây dựng đường cao tốc như của Trung Quốc.

Đối xử với nhà thầu Trung Quốc như các nhà thầu khác

Trao đổi với Báo Trí Thức Trẻ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, không phủ nhận thông tin cho rằng phần lớn các nhà thầu nước ngoài quan tâm đến dự án đường Cao tốc Bắc Nam phía Đông là nhà thầu Trung Quốc. Ông Kiên cho rằng nhận định này có thể dựa trên tình hình thực tế hiện nay và đó là điều hoàn toàn bình thường.

"Hiện nay, trên thế giới, không nhà thầu nước nào có kinh nghiệm thi công đường cao tốc nhiều như các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc là rất lớn và các doanh nghiệp có kinh nghiệm tương đối tốt", ông Kiên chia sẻ.

Trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông, Việt Nam đã tiến hành tìm hiểu rất kỹ và có những cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp châu Á và châu Âu. Ông Kiên cũng đã làm việc với các doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức hồi tháng 4 vừa qua.

"Rất nhiều chuyên gia Đức đều nói rằng, từ 8 năm nay nước Đức không có dự án đường sắt hay đường bộ cao tốc nào mới. Họ chỉ đại tu và sửa chữa. Chính vì thế, muốn doanh nghiệp Đức tham gia đấu thầu xây dựng dự án đường cao tốc Việt Nam nhưng lại đòi hỏi họ có kinh nghiệm xây mới đường cao tốc với quy mô tương đương trong 3 năm gần đây thì doanh nghiệp Đức không có khả năng. Với các tiêu chí như thế, chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được", ông Kiên nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Với tiêu chí như hiện nay, nhà thầu Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông - Ảnh 1.

Trước băn khoăn xung quanh việc lựa chọn và đảm bảo năng lực nhà thầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Việt Nam đưa ra những hồ sơ tư vấn mời thầu quốc tế và buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn nếu muốn tham gia đấu thầu. Hiện tại, hồ sơ mời thầu của Việt Nam được Deloitte và McKinsey tư vấn. Với sự góp sức của các tên tuổi hàng đầu thế giới, hồ sơ mời thầu chuẩn quốc tế chính là chìa khóa để Việt Nam chọn lọc được những nhà thầu tốt cho dự án trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng của Việt Nam cũng đã có những quy định rõ ràng để buộc nhà thầu nước ngoài phải tuân thủ. Khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. 

Trước 8 lần lỡ hẹn của dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông, ông Kiên cho rằng lỗi ở đây thuộc về phía Việt Nam. Do là dự án đầu tiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm đấu thầu. Hồ sơ mời thầu của Việt Nam đưa ra thiết kế về mặt kỹ thuật thay vì thiết kế bản vẽ thi công nên  tạo ra những sai lệch rất lớn. Ông Kiên cho rằng đó là sự yếu kém về mặt quản lý Nhà nước của phía Việt Nam và hậu quả đang xảy ra là điều Việt Nam phải chịu.

"Giống các nhà thầu quốc tế khác, nhà thầu Trung Quốc, nhà thầu Đức hay bất cứ nhà thầu của nước nào cũng phải bảo hành công trình theo luật. Không phải người ta là nhà thầu Trung Quốc mà mình bắt người ta bảo hành 36 tháng còn nhà thầu Đức bảo hành 24 tháng. Đã áp dụng theo luật thì tất cả đều giống nhau hết", ông Kiên nhấn mạnh.

Linh Anh - N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên