MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai: Một năm 27 người chết vì ngộ độc thực phẩm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

“An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn tác động đến các hoạt động kinh tế. Chỉ 2 ngày trước phiên họp này, tại Đà Lạt 41 khách du lịch, trong đó, 28 khách đến từ Myanmar đã phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đoàn Quảng Bình nói.

Cả ngày hôm nay (5/6), Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 – 2016”. Đây là vấn đề lớn, nhận được sự quan tâm của dư luận.

Người dân phó mặc mạng sống cho may rủi, sống bất an…

Theo kết quả giám sát, từ năm 2011 – 10/2016, tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra phức tạp, là thách thức lớn trong công tác an toàn thực phẩm.

Cụ thể, toàn quốc ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện, 164 người chết. Trung bình, mỗi năm có khoảng 167 vụ với hơn 5.000 nạn nhân, khoảng 27 người​ chết.

Tuy nhiên, như đại biểu Nguyễn Hoàng Mai ở Tiền Giang nhận xét, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, con số thực tế còn nhiều hơn vậy. Bởi lẽ, có những bệnh như tiêu chảy, phát sinh do thực phẩm bẩn, người dân “tự xử” không được ghi nhận. Bên cạnh đó, có những bệnh sau này mới phát do tích tụ thực phẩm bẩn lâu ngày.

Đại biểu Mai cũng cho biết, hiện chỉ có 10% người được hỏi cho biết an tâm với thực phẩm hàng ngày, 59% chưa an tâm, 27% không an tâm.

“Một bộ phận người dân có điều kiện tự trồng rau, nuôi heo, gà, tự cung tự cấp. Còn lại đa số phó mặc mạng sống cho may rủi, sống trong cảnh bất an”, đại biểu nói.

Đại biểu Mai cũng cho biết, hiện dù có nhiều bộ quản lý, ít nhất là 3 bộ, nhưng khâu quản lý từ trang trại đến bàn ăn vẫn bị cắt cúp khá nhiều, tạo khoảng trống khiến việc quản lý không hiệu quả.

“Cần có một cơ quan chuyên trách, có vai trò nhạc trưởng điều hành các cơ quan có liên quan đến vấn đề này”, đại biểu Mai đề xuất.

Ý kiến này thực tế tương đồng với hầu hết ý kiến của các đại biểu khác. Bởi lẽ, các đại biểu cho rằng hiện nay “một mâm cơm đang có tận 3 bộ quản lý”, gồm: Bộ Y tế, Bộ NNPT&NT và Bộ Công thương. Việc quản lý này hoặc bị chồng chéo, hoặc mạnh ai nấy lo, không phân rõ vai trò, việc chịu trách nhiệm khiến không hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu Mai cũng cho rằng kinh phí cho hoạt động quản lý ATTP còn hạn chế, còn bị phân tán, chưa thực sự ưu tiên, phân bổ hợp lý.

Tác động xấu đến nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần họp về vấn đề ATTP đã nói: “An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn là uy tín quốc tế. Do đó, chúng ta cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”.

Đúng như Thủ tướng nói, nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, bộ mặt của Việt Nam sẽ có những “vết đen” trong mắt bè bạn quốc tế.

Như đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đoàn Quảng Bình dẫn ra, 2 ngày trước cuộc họp, có đến 41 du khách, trong đó 28 khách nước ngoài tại Đà Lạt đã phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm. Một số đại biểu khác lại đặt vấn đề về việc hàng hoá nông sản Việt Nam xuất sang nước ngoài bị trả lại do dư lượng chất bảo vệ thực vật hay chuyện người Việt chuộng gạo Campuchia, Thái Lan...

Đại biểu Cường cho rằng câu chuyện này, về lâu về dài, sẽ gây tác hại đối với kinh tế Việt Nam. Đại biểu cho biết cần phải nêu rõ ai là người phải chịu trách nhiệm, đồng thời, cần bổ sung vai trò của người dân trong việc tố cáo giám sát.

“Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, họ sẽ có động lực vì quyền lợi của mình. Tuy nhiên, phải tạo điều kiện quản lý tốt, để họ biết báo cáo ở đâu, tránh tình trạng người ta hoặc không biết, hoặc biết mà ngại vì thủ tục rườm rà”, đại biểu Cường nói.

Ông cũng gợi ý về một đường dây nóng, để người dân gọi đến một cách tiện lợi.

Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội thì cho rằng cần phải đảm bảo được môi trường đất – nước – không khí. Nếu môi trường nước bị ô nhiễm, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến thực phẩm dùng nước đó tưới tiêu.

“Ô nhiễm trầm trọng ở sông Nhuệ, song Đáy đã ảnh hưởng đến chăn nuôi ở 5 tỉnh từ TP Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình”, đại biểu nói. Do đó, đại biểu đề nghị những biện pháp khắc phục.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên