Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm 3 lần truy vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về đầu tư công
Bất cập trong đầu tư công là câu chuyện dành được nhiều sự quan tâm nhất của các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sáng nay (15/6).
- 14-06-2017Nể nang với khó khăn của các ngành, địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nhận trách nhiệm trước Quốc hội
- 12-06-2017Dự thảo luật đầy tâm tư của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đem lại những lợi ích gì cho DNNVV?
- 09-06-2017Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khai thác thêm một triệu tấn dầu là hoàn toàn tốt cho nền kinh tế
Ông Nguyễn Chí Dũng là tư lệnh ngành cuối cùng trong 4 Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội trong trong kỳ họp này. Tiếp nối phần trả lời hôm qua, sáng nay Bộ trưởng Dũng tiếp tục giải trình các vấn đề được đại biểu quan tâm.
Lắng nghe giải trình, đại biểu lắc đầu
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) cho biết báo cáo của Bộ trưởng về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư nêu đơn vị đề xuất là Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, người đứng đầu cơ quan trung ương (Bộ trưởng) và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Thường trực Hội đồng nhân dân được ủy quyền) phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư của dự án.
Đại biểu đặt vấn đề việc ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân được ủy quyền căn cứ vào Nghị định 136 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu ủy quyền cho thường trực hội đồng nhân dân sẽ vi phạm 3 luật: Luật Đầu tư công, Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, trong luật đầu tư công không nêu thường trực Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, Hội đồng nhân dân 1 năm họp 2 lần. Quy định trong luật thì những quyết định này phải ban hành trước 31/10. Do đó, một số địa phương bị vướng trong việc ra quyết định nếu địa phương họp sau ngày 31/10.
Bộ trưởng nói sẽ được báo cáo Chính phủ để làm rõ xem có vi phạm luật không, nhưng tinh thần là để tháo gỡ cho các địa phương ở điểm đó.
Tuy nhiên, đại biểu Tâm tỏ ra không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng. Bà đã lắc đầu 2 lần khi lắng nghe giải trình.
Quy phạm pháp luật về đầu tư công cũng là vấn đề được đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) quan tâm. Ông cho rằng các văn bản này, gồm: Luật Đầu tư công, Nghị định 15, Nghị định 30 của Chính phủ hiện đang ảnh hưởng đến việc đầu tư, tạo rào cản lớn đến công tác xây dựng cơ bản, ảnh hưởng đến khu vực 2 của nền kinh tế. Khiến cho “có tiền nhưng không đưa ra ngoài công trình để góp phần tăng trưởng kinh tế”.
Nghị định 15, Nghị định 30 lại là rào cản rất lớn về đối tác công tư, đặc biệt Nghị định 30 về chọn nhà đầu tư BOT hoặc PPP, khiến cho việc huy động nguồn vốn xã hội vào các công trình cơ bản rất chậm.
“Đề nghị phải nhìn thẳng vào sự thật, phải sửa ngay Luật Đầu tư công, Nghị định 15, Nghị định 30”, đại biểu nói.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Dũng cho biết đã có kế hoạch để chỉnh sửa những tồn đọng. Bộ trưởng cũng khẳng định việc khu vực 2 suy giảm không hoàn toàn do các văn bản trên, một phần ảnh hưởng là do Samsung giảm sản xuất.
Đại biểu Hoàng Quý Hàm (Phú Thọ) chất vấn Bộ trưởng về vấn đề bội chi ngân sách. Theo đó, năm 2017, bội chi là 172.000 tỷ, tình hình hiện nay khống chế thấp hơn là hết sức cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, Chính phủ đang xin chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ chưa phân bổ 12.500 tỷ đồng; 18.000 tỷ vay về cho vay lại của 5 dự án mà VEC làm chủ đầu tư chưa xử lý và 5.000 tỷ vốn ODA đã giải ngân năm 2015 nhưng chưa có dự toán.
“Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ xử lý 3 khoản đầu tư trên như thế nào để vừa đúng luật, không làm tăng bội chi ngân sách?”, ông Hàm đặt câu hỏi.
Vị này cũng đặt vấn đề, việc Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công chưa hoàn toàn thuyết phục khi lý giải việc bố trí vốn dài trải 80.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm… nhiều đại biểu đã hỏi, bộ trưởng trả lời nhưng tôi chưa thoả mãn.
“Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán…? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại xin cho nên phân bổ chậm? Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”, đại biểu hỏi đồng thời đề nghị Bộ trưởng nêu hướng khắc phục, làm thế nào để chấm dứt tình trạng này.
Đối với câu hỏi về cơ chế xin cho, Bộ trưởng khẳng định các phân bổ kế hoạch chi tiết cũng như đề xuất là do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện, Bộ KH&ĐT chỉ hướng dẫn, không có chuyện xin cho.
Đại biểu chưa hài lòng, giơ biển tranh luận lần 2
Phần trả lời của Bộ trưởng Dũng không làm cho đại biểu thoả mãn. Cả 3 đại biểu: Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Văn Thể, Hoàng Quý Hàm đều giơ biển tranh luận lần 2.
Đại biểu Tâm chưa đồng ý việc Bộ trưởng bảo trước mắt chưa điều chỉnh được thì để tuỳ địa phương áp dụng. Vì pháp luật phải nghiêm minh, thống nhất, không được tuỳ tiện, bà nói.
Thứ 2, đấy là vấn đề về thẩm quyền chứ không phải là điều luật đơn giản. Thứ 3, quyết định đầu tư công là tiền ngân sách, không thể tuỳ tiện.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng cân nhắc, Chính phủ cũng phải cân nhắc, rà soát lại Luật Đầu tư công để phân cấp mạnh hơn nữa, hiện nay là phân cấp ngược, kéo về Bộ nhiều hơn trước đây”, bà nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Thể cũng tán đồng ý kiến của bà Tâm về những vấn đề phân cấp phân quyền trong luật. Ông cũng nêu ra việc Luật phải được ban hành nhanh gọn không phải chậm hơn cái cũ. Cần xem xét điều chỉnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần triển khai mạnh hơn về xây dựng cơ bản, không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế trong hiện tại mà còn là tiền đề cho tương lai.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng chưa hài lòng. Ông cho rằng, giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chưa giải thích rõ căn cứ pháp lý nào để chuyển khoản vay về cho vay lại (gần 18.000 tỷ đồng) của 5 dự án đường cao tốc của VEC thành vốn cấp phát Nhà nước. Tính toán thứ tự ưu tiên trong đầu tư, kiểm soát chi… cũng chưa được nói rõ.
Ngoài ra, ông Hàm cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Dũng cho rằng “trách nhiệm trong phân bổ vốn chậm thuộc về các địa phương, chứ không có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch”.
Vị này phân tích: Bộ Kế hoạch có chức năng thẩm định nguồn, cân đối nguồn thì hầu như xem xét toàn bộ hàng vạn công trình. "Với lực lượng vài trăm người của Bộ có làm được không, hay chậm nên ách tắc đầu tư?".
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không có việc dàn trải trong bố trí vốn đầu tư. Nêu thực tế giám sát tại địa phương, ông Hàm cho biết địa phương "kêu rất nhiều chuyện thiếu tiền đầu tư, và phải cam kết. Nếu không cam kết thì không được đăng ký vốn".
Ông Hàm lo lắng, nếu tình trạng bố trí vốn dàn trải tiếp diễn, khi chi phí tăng lên thì nhiều công trình sẽ thiếu toàn bộ vốn đầu tư ban đầu. "Xin Bộ trưởng nói rõ", ông đề nghị.
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Tâm và đại biểu Thể về vấn đề phân cấp, phân quyền đối với Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn đã ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tinh thần của luật không đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ với chuyện phân cấp cho các địa phương.
“Chúng tôi không cố kéo về Bộ. Cái đó thuộc ngân sách nhà nước thì phải thẩm tra, thẩm định khả năng cân đối vốn, vì nó có thể phát sinh nợ đọng, gây lãng phí, thất thoát”, Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, đấy là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn những dự án sử dụng nguồn vốn của các địa phương vẫn hoàn toàn do các địa phương tự quyết định.
Đối với chất vấn của đại biểu Hàm, Bộ trưởng cho biết 5 dự án của VEC thuộc năm 2013, Thủ tướng đã có quyết định, nhưng Chính phủ không cho phép nên vẫn treo 17.000 tỷ, chưa quyết toán được. Bộ đang tổng hợp trình lên để xin hướng xử lý.
Đánh giá phần giải trình hôm nay của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Chưa rõ, chưa thỏa mãn nên nhiều đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận lại".