Đại biểu phản ánh lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hoá
Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cổ phần hóa, thoái vốn, gây bức xúc dư luận...
- 07-05-2019Cổ phần hóa 'siêu tốc' và những thất thoát lớn
- 04-05-2019Thứ trưởng Bộ Tài chính giải thích nguyên nhân chậm tiến độ cổ phần hóa
- 08-04-2019Xử lý cổ phần hóa chậm: Hô khẩu hiệu là chính!
Phát biểu trong phiên thảo luận sáng 30/5 của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu thực tế buồn trong cổ phần hoá.
Thiếu công khai, minh bạch
Nhận xét số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra, đại biểu Giang dẫn chứng, năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020, chiếm 23%, và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, theo đại biểu còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, nhưng việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.
Việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, minh bạch, "lợi ích nhóm", có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật, ông Giang đánh giá.
Sau đó, Phó chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật dẫn hàng loạt những sai phạm cụ thể trong quá trình cổ phần hóa. Đơn cử như với Cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Bộ Giao thông vận tải với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinalines chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy nhơn không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trong chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần cảng Quy nhơn, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 2 văn bản cho phép Vinaline bán cho công ty hợp thành 75,01% cổ phần tại Cảng Quy nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ hủy bỏ 2 văn bản và kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy nhơn đã bán cho Công ty Hợp Thành.
Ví dụ tiếp theo được ông Giang nêu là sai phạm ở Tổng Công ty rượu bia, nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam… Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ, "với cách làm trên đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước".
Lo sức ép nợ công
Nhận xét chung về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Hoàng Quang Hàm cho rằng báo cáo khá chi tiết và toàn diện nhưng thiếu so với báo cáo các năm trước nhiều chỉ tiêu quan trọng được nhiều đại biểu quốc hội và cử tri quan tâm.
Bên cạnh thông tin về sản lượng điện, dầu thô khai thác, xi măng, than sạch, thép các loại...theo đại biểu Hàm thì những yếu tố tăng trưởng không bền vững vượt kế hoạch cũng không được thuyết minh rõ tác động như thế nào đến tổng GDP hoặc những yếu tố tăng trưởng quan trọng nào không đạt mục tiêu.
Chẳng hạn công nghiệp khai khoáng 2 năm 2017- 2018 tuy tăng trưởng âm nhưng thực tế thực hiện đều vượt kế hoạch trong đó 2017 dầu thô vượt kế hoạch 1,29 triệu tấn, 2018 vượt 0,7 triệu tấn đóng góp đáng kể vào điểm % tăng trưởng nhưng chưa phân tích, thuyết minh yếu tố tăng trưởng tương ứng nào không đạt mục tiêu.
Chính phủ cần quan tâm hơn để cung cấp thêm thông tin cho Quốc hội, đại biểu Hàm đề nghị.
Trong nhiều vấn đề cụ thể của nền kinh tế, đại biểu Hàm nêu, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Trung ương trong tổng chi đầu tư đang giảm dần, bổ sung chi đầu tư từ ngân sách trung ương cho địa phương cao hơn nhiều so với tỷ lệ tối đa 30% qui định trong Luật Ngân sách nhà nước làm ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực cho các chính sách lớn, các dự án lớn liên vùng để tạo ra các cú huých cho tăng trưởng.
Về nợ công, đại biểu Hàm khẳng định, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn, tính cho giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%. Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn này khoảng 700 ngàn tỷ, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20 đến 40 ngàn tỷ trên 1 tháng, ông Hàm nêu những con số đáng chú ý.
Trước đó, khi thảo luận tại tổ, cũng có một số vị đại biểu cho rằng, tình hình nợ công vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, cần phân tích rõ các vấn đề: bảo lãnh của Chính phủ, có vay thêm nợ không, dư địa để vay đầu tư phát triển ra sao để có giải pháp bảo đảm an toàn.
Vneconomy