Đại biểu QH: Các vụ đấu giá biển số xe, mỏ cát... làm lũng đoạn, rối thị trường
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng thời gian qua có một số vụ bỏ cọc đấu giá làm lũng đoạn, rối rắm thị trường; làm lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá; gây dư luận không tốt như: vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất, vụ đấu giá biển số xe ôtô hay đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội
- 28-11-2023Giá vé máy bay cao, hãng bay vẫn lỗ
- 28-11-2023ACV phê duyệt kế hoạch thu phí tự động tại 5 sân bay lớn
- 28-11-2023TP Hồ Chí Minh: Dự chi 4.500 tỷ đồng nối Đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng
Sáng 28-11, phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc sửa đổi quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản là rất cần thiết, để tránh việc lợi dụng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá, thay vào đó là thông đồng, thỏa thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách nhà nước, dẫn tới tiêu cực.
ĐBQH Phạm Văn Hoà phát biểu sáng 28-11
ĐB Phạm Văn Hòa dẫn chứng một số vụ việc bỏ cọc đấu giá làm lũng đoạn, rối rắm thị trường; làm lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá; gây dư luận không tốt thời gian qua, như: vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở TP HCM, vụ đấu giá biển số xe ôtô hay đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội...
Để hạn chế và chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, vị ĐB cho rằng cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo… "Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền dư muốn làm thế nào thì làm, làm xáo lộn thị trường. Đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém" - ĐB Phạm Văn Hoà nêu.
Phát biểu đóng góp vào dự thảo luật, ĐBQH Trần Văn Khải đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng, gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.
ĐBQH Trần Văn Khải góp ý vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi)
ĐB Trần Văn Khải quan tâm đến đấu giá tài sản có giá trị lớn, khó định giá hay tài sản dạng phi vật thể. Theo vị ĐBQH, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến. Trong Luật đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.
Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay "đấu giá hộ" do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Có trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc, có trường hợp trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trệ… Đây là vấn để rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay, cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính "vốn thực có" của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Vị ĐBQH cho rằng có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua.
Phát biểu tranh luận về chế tài, hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá. Vị ĐBQH cho rằng chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước.
Theo ĐB Phạm Văn Thịnh, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Vị ĐBQH cũng lưu ý quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.
Người Lao Động