Đại biểu Quốc hội bàn về nguy cơ rửa tiền trên thị trường bất động sản
Góp ý dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu quốc hội đề nghị tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá, quy định giao dịch phải thanh toán qua ngân hàng.
- 01-11-2022“Tất tay” với đất nền, nhà đầu tư đang chật vật ra sao?
- 01-11-2022Gần 4 tỷ USD vốn ngoại chảy vào bất động sản trong tháng 10
- 01-11-2022Giá nhà ở xã hội vượt ngưỡng 25 triệu đồng/m2, người nghèo bao giờ mới có nhà để ở?
Quy định về phòng, chống rửa tiền trong bất động sản là hết sức cần thiết
Sáng ngày 1/11, Quốc hội thảo luận về dự án luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Đại biểu cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.
Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. (Ảnh quochoi.vn).
Do đó, để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.
Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng nhấn mạnh, cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.
Tăng tính minh bạch của thị trường khi giao dịch bất động sản qua ngân hàng
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo đó, HoREA cho rằng kiến nghị quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, chống thất thu ngân sách Nhà nước và góp phần phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này.
Cụ thể, khi nêu rõ sự cần thiết phải quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng, HoREA cho biết từng có văn bản kiến nghị đề xuất về việc này.
Tại Văn bản 107 năm 2011, HoREA đề nghị quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng do hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn thói quen thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ.
Việc thanh toán bằng tiền mặt chưa đảm bảo được tính minh bạch. Thậm chí, có trường hợp giá mua bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở ghi trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thật. Điều này dẫn đến tình trạng chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp, hoặc có thể làm cho ngân sách Nhà nước bị thất thu.
Hơn nữa, theo HoREA, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hiệp quốc về phòng, chống rửa tiền và để thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền, nên việc quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng là rất cần thiết.
HoREA cũng cho biết, nội dung khoản 1, điều 16 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 về thanh toán trong giao dịch bất động sản quy định: Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán" cần được hướng dẫn thi hành tại Nghị định 02/2022 của Chính phủ với quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng để làm tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị bổ sung một điều mới vào Nghị định 02/2022 quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng.
Nhịp sống thị trường