Đại biểu Quốc hội: Giải các “nút thắt” thúc đẩy kinh tế trước mắt và lâu dài
Theo đại biểu Quốc hội, những quyết định của Kỳ họp thứ 5 không chỉ giải các nút thắt cho thúc đẩy kinh tế trước mắt mà còn có tác động lâu dài.
- 25-06-2023Củng cố và định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ Việt- Trung
- 25-06-2023Quảng Ninh sắp có cảng hàng lỏng quy mô lớn
- 25-06-2023Một tỉnh miền Bắc vừa được chaebol lâu đời nhất Hàn Quốc đầu tư 120 triệu USD
Nhiều “hiến kế” phát triển kinh tế - xã hội
Đánh giá về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - đoàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, những nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 đã được sắp xếp và hoàn thành một cách tốt đẹp, với việc thông qua được 8 dự án luật và 18 nghị quyết quan trọng. Từ đó, góp phần cho việc hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường ngày càng đồng bộ hơn.
Tại các phiên thảo luận trên nghị trường, đặc biệt, trong các phiên chất vấn, số lượng đại biểu bấm tham gia cho ý kiến luật, tham gia chất vấn có những buổi đã lên đến con số trên 100 đại biểu. Như vậy, về mặt số lượng đã có sự thay đổi và kéo theo đó chuyển hóa về chất lượng.
“ Đáng chú ý, những nội dung liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội luôn được đại biểu quan tâm, không chỉ phản ánh thực tế mà đại biểu Quốc hội còn đưa ra những hiến kế, kiến nghị về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã có biến động rất lớn. Đối với những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, kinh tế đã bắt đầu là tăng trưởng chậm lại và bước sang quý 1 tăng trưởng thấp so với kỳ vọng.
Mặc dù, Chính phủ đã có những quyết tâm và hành động quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi ở Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chúng ta đang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng gồm: Đầu tư (nhất là đầu tư công); hỗ trợ tiêu dùng và xuất khẩu.
Với riêng mảng đầu tư, các đại biểu đã quan tâm nhiều về danh mục đầu tư bổ sung, quyết liệt đẩy nhanh trong giải ngân đầu tư công. Số tiền dự toán cho giải ngân đầu tư công năm 2023 của Việt Nam trên 700.000 tỷ đồng, chưa kể khoản đầu tư từ gói hỗ trợ về phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến gói an sinh xã hội, đặc biệt, quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm khi đơn hàng giảm do thị trường xuất khẩu thế giới bị suy giảm.
Ngoài ra, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm đến việc giảm thuế. “ Chúng ta cần tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng tổng cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa ” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu.
T ác động mạnh đến khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội nhận xét, Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, kể cả các vấn đề kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đầu tư công nên những quyết định của kỳ họp này liên quan đến kinh tế không chỉ giải các nút thắt cho thúc đẩy kinh tế trước mắt mà còn có tác động lâu dài.
Đặc biệt, theo ông Cường, kỳ họp này có rất nhiều dự án luật quan trọng, vừa là dự án luật thông qua, vừa là những dự án luật lấy ý kiến ở giai đoạn cuối. Chính vì vậy, những quyết định của kết quả kỳ họp này đang tác động rất mạnh đến khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế của đất nước.
Về mặt tổ chức, kỳ họp đã chia ra thành hai đợt, ở giữa có một tuần để các cơ quan soạn thảo chuẩn bị tốt hơn trong tiếp thu ý kiến đưa vào luật trước khi biểu quyết. Đồng thời, việc tổ chức này giúp nhiều đại biểu địa phương kiêm nhiệm có thời gian để xử lý các công việc khác. Do đó, ông Cường cho hay, cách tổ chức kỳ họp, nội dung kỳ họp này đã đạt được chất lượng rất tốt và hiệu quả.
Ấn tượng nhất với ông Cường tại kỳ họp này là từ việc thảo luận luật cho đến thảo luận về kinh tế xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ…, các đại biểu luôn đưa ra những vấn đề trực diện, thẳng thắn, không nhắc lại các báo cáo. Quá trình điều hành của Chủ tịch Quốc hội cũng đi vào trực diện những vấn đề đại biểu đang muốn hỏi, đưa thêm ý kiến của mình vào để các thành viên Chính phủ trả lời.
“Không khí làm việc của kỳ họp Quốc hội này hết sức thẳng thắn, xây dựng và mang tính trực diện, tạo hiệu quả cao” - ông Hoàng Văn Cường khẳng định.
Công Thương