Đại chiến gà rán: Câu chuyện vươn lên thoát nghèo, cáng đáng cả gia đình, tạo dựng đế chế kinh doanh khổng lồ của 2 người phụ nữ nhập cư
Hai thương hiệu gà rán nổi tiếng thế giới của Mỹ đều bắt đầu từ hai phụ nữ nhập cư sống cách nhau vài căn nhà, đều phải bươn chải sau khi chồng gặp nạn.
- 25-06-2019Từ chàng trai bán kem đến “ông trùm” chuỗi gà rán lớn nhất Philippines: Thành công nhờ ngây thơ tin lời mẹ, coi “thất bại cũng chỉ là một loại học phí ở đời”!
- 05-04-2019Đi bán gà rán với mức lương bèo bọt nhưng chưa một ngày tôi hối tiếc: Đánh đổi mồ hôi, tôi nhận lại 5 bài học đắt giá biến mình thành triệu phú USD sau này
- 30-12-2018Ở phương Tây, Noel là phải ăn gà rán! – "Lời nói dối kinh điển” của KFC đưa Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới của hãng này từ bờ vực phá sản
Vùng Pittsburg thuộc bang Kansas nằm ở Vùng đồng bằng trung tâm Mỹ. Tại đây, gió lạnh thấu xương vào mùa đông và đất khô cằn trong mùa hè. Khoảng 20.000 dân cư sống ở khu vực này và phần lớn họ là nông dân hoặc làm nghề chăn nuôi. Cuộc sống tại Pittsburg có lẽ vẫn sẽ trôi qua êm đềm nếu không xảy ra cuộc đại chiến gà rán kéo dài hàng chục năm.
Trong hơn 80 năm qua, vùng Pittsburg đã nổi tiếng trên toàn quốc về món gà rán. Điều thú vị là món ăn nổi tiếng này lại không phải từ các chuỗi cửa hàng KFC mà bắt nguồn từ 2 người phụ nữ nhập cư mở quán gà rán cách nhau có 300ft (100m) trên cùng một con phố, qua đó mở ra một cuộc đại chiến dai dẳng, sôi sục và khốc liệt suốt nhiều năm.
Suốt 4 thế hệ con cháu kể từ khi 2 người phụ nữ trên mở cửa hàng đã trôi qua, nhưng đời sau của họ vẫn tiếp tục kế tục công thức làm gà rán từ người đi trước và cuộc chiến giữa 2 gia tộc cũng như khởi nguyên của họ đã trở thành giai thoại trên toàn nước Mỹ.
Vươn lên từ Đại khủng hoảng
Quay ngược dòng lịch sử từ thời người da đỏ, vùng Pittsburg có sản lượng than khá lớn và chúng thường được những người thổ dân dùng để trao đổi với người da trắng. Tuy nhiên phải đến năm 1866, sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc thì những người đào mỏ đầu tiên mới xuất hiện tại Pittsburg.
Dẫu vậy, công việc đào than khá cực khổ và nguy hiểm vào thời đó nên việc tuyển lao động chẳng mấy dễ dàng. Bởi vậy các công ty đã tích cực đăng tuyển lao động nhập cư từ châu Âu và các vùng khác đến làm việc ở Pittsburg.
Vào năm 1944, hoạt động sản xuất than tại đây đạt đỉnh điểm với hơn 12.000 lao động cùng gia đình sống quanh quận Crawford. Toàn bộ vùng có khoảng 55.000 dân và họ sản xuất tới 1/3 tổng lượng than cho toàn nước Mỹ vào thời kỳ đó.
Một trong những gia đình thợ than nhập cư vào thời kỳ đó là Rehaks từ Áo, đến Mỹ vào khoảng đầu thế kỷ 20. Người con gái nhỏ nhất trong gia đình là Annie và cô đã kết hôn với Charles Pichler sau này. Cặp vợ chồng này có 3 đứa con và mua một căn nhà ngay gần mỏ than tại Pittsburg để tiện cho Charles đi làm.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 3/1933 khi Charles thương tật do tai nạn mỏ than. Vào thời kỳ đó, các thợ mỏ không có cái gọi là bảo hiểm thương tật hay đền bủ do tai nạn lao động. Hậu quả là Annie phải cáng đáng gia đình 5 miệng ăn trong khi Mỹ đang lâm vào cuộc đại khủng hoảng kinh tế thập niên 1930.
Để mưu sinh và nuôi mọi người trong gia đình, Annie đã phải bán bánh mì kẹp thịt bê cùng dăm bông cho thợ mỏ hay đi ngang qua nhà với giá chỉ vài Penny (1 USD=100 Penny). Do nhà gần mỏ, tiện đường đi lại nên có rất nhiều thợ mỏ ngồi ăn bên ngoài ngôi nhà của gia đình Annie. Bà cũng bán rượu tự ngâm với giá 0,25 USD cho mỗi 2 Quart (khoảng 1,8 lít).
"Bà nội không bao giờ nhắc về quãng thời gian đó, nhưng tôi chắc chắn rằng lúc đó rất khó khăn. Nhưng bà nội là người kiên cường và nhờ đó chúng tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay", người cháu Anthony Pichler của Annie nhớ lại.
Vào năm 1934, Annie muốn mở rộng kinh doanh và bà lưu ý thấy những chú gà nuôi thả rông trước sân vườn có thể là một cơ hội. Kể từ đó, Annie bắt đầu bán cả gà rán cho bữa tối khi những người thợ mỏ tan làm về.
Thứ 7 hàng tuần, Annie sẽ dọn hết đồ trong phòng khách và kê bàn cho những thợ mỏ muốn ngồi ăn tối. Món ăn bà thường làm là món gà rán, kèm với đó là salad khoai tây, bắp cải trộn, ớt ngâm chua kèm bánh mỳ. Đôi khi, bữa tối ấm cũng trong căn nhà nhỏ kéo dài tới gần sáng khi các thợ mỏ ăn uống và khiêu vũ một cách vui vẻ đến quên thời gian.
Không lâu sau khi Annie mở rộng kinh doanh, một bác sĩ và cũng là người mê những món ăn do Annie nấu đã đề nghị bà đặt tên thương hiệu thành "Chicken Annie’s". Kể từ đó, một thương hiệu gà rán nổi tiếng đã ra đời tại Pittsburg.
Tuy nhiên, đây không phải thương hiệu gà nổi tiếng duy nhất mà Pittsburg sản sinh.
Năm 1941, cặp vợ chồng nhập cư người Đức là Joe và Mary Zerngast chuyển đến sống gần gia đình Pichler. Ban đầu Joe là người chịu trách nhiệm châm thuốc nổ trong mỏ than và đây là công việc nguy hiểm nhất. Dẫu vậy sau 20 năm lao động cùng ngành than, Joe mắc bệnh phổi do hít quá nhiều than, qua đó buộc ông phải nghỉ hưu và để lại gánh nặng nuôi gia đình lên người vợ Mary.
Cũng tương tự như Annie, bà Mary rất giỏi nấu ăn. Gia đình họ cũng nuôi gà trong sân và món gà rán khá dễ làm với chảo gang cùng than có sẵn. Giống như gia đình Pichler, Mary cũng dọn bớt đồ đạc trong phòng khách, kê bàn và phục vụ những món gà rán kèm khoai tây.
"Tôi cần phải sống sót". Người cháu Larry Zerngast của Mary nhớ lại những gì bà nói với gia đình thời đó.
Ban đầu quán của Mary đặt tên là "Joe and Mary’s". Họ có một hộp nhạc nhỏ trong phòng khách và cũng tương tự như gia đình Pichler, các thực khách chủ yếu là thợ mỏ cũng đến ăn uống, nhảy múa cho đến đêm khuya.
Đôi khi, nhiều thực khách thèm ăn đến quán vào nửa đêm rống to "Gà, Mary! Gà, Mary!" (Chicken, Mary! Chicken, Mary!) và thế là bà lại dậy rán gà cho khách đến khi trời sáng. Bởi vậy danh hiệu "Chicken’s Mary" ra đời từ đó.
Đối thủ cạnh tranh
Cả quán của gia đình Pichler và Zerngast đều đông khách tới nỗi dần dần họ phải chuyển sang nơi ở mới để dành chỗ cũ chỉ chuyên làm nhà hàng. Độ nổi tiếng của 2 quán dần lan truyền sau khi Thế chiến II kết thúc và đã có rất nhiều người lái xe qua nhiều bang đến Kansas chỉ để ăn ở quan của Mary hoặc Annie, hay đôi khi làn ăn ở cả 2 nhà hàng.
Với công việc kinh doanh ngày càng tốt trong thập niên 1960-1970, những người phụ nữ trong gia đình Pichler và Zerngast đã quyết định dỡ bỏ căn nhà nhỏ cũ để xây mới nhà hàng với hệ thống bếp hiện đại, phòng ăn đủ chỗ chưa tới 300 người thay vì chỉ 30 người như trước đây.
"Bà tôi luôn nở nụ cười và chào khách bằng tên của họ. Bà ấy rất ngọt ngào và dịu dàng. Đương nhiên, tôi cho rằng bà sẽ chẳng bao giờ đồng ý chiếc áo tôi đang mặc thế này mà ra chào khách đâu", Cháu gái Donna Lipoglav của bà Annie cười nói khi nhớ lại rằng các nữ phục vụ ở tiệm luôn mặc váy trắng và tạp dề gọn gàng vào thời đó.
Bà Donna Lipoglav
Mặc dù công thức và món ăn kèm khác nhau nhưng cả "Chicken’s Annie" và "Chicken’s Mary" đều bắt đầu trở thành đối thủ cạnh tranh. Người dân trong vùng sẽ phải cẩn thận chọn xem họ thích quán ăn nào hơn cũng như phải để ý không bị người của nhà hàng đối thủ nhìn thấy họ vào quán ăn còn lại. Tuy nhiên, kiểu cạnh tranh này mang tính thân thiện nhiều hơn vì cộng đồng khá nhỏ và hòa đồng.
Bà Lipoglav nhớ lại những kỷ niệm xa xưa khi còn làm cùng bà của mình với công việc dọn bàn cùng đón khách. Thỉnh thoảng, bà Annie lại bảo Lipoglav xuống phố đếm xem quán đối thủ của bà Mary có bao nhiêu chiếc xe của thực khách đang đậu.
"Tôi nghĩ bà tôi cũng biết chuyện gì đang diễn ra. Số xe thực khách đậu trong bãi của nhà hàng chúng tôi luôn tương đương với của quán bà Mary", bà Lipoglav nhớ lại.
Năm 1982, gia đình Pichler cố gắng đổi tên cho con đường đi ngang qua quán thành "Chicken’s Annie Road" nhưng bị gia đình Zerngast phản đối dữ dội. Vụ việc trở thành điểm nóng truyền thông quốc gia với tựa đề "Đại chiến gà rán" trên tờ thời báo The New York.
"Ông nội Joe của tôi luôn nói rằng: ‘Đừng mất cảnh giác với gia đình Pichler, cháu không thể nào tin được họ", Cháu gái Donna Zerngast của Mary cười nói.
Hiện nay, những người con của thế hệ tiên phong trong cuộc đại chiến gà rán vẫn trụ lại ở Pittsburg. Bà Lipoglav điều hành quán Chicken Annie’s Original, ông Larry Zerngast mở quán Chucken Mary’s còn Anthony Pichler có quán Pichler’s Chicken Annie’s. Điều thú vị là ông Anthony đã cưới bà Donna Zerngast 54 năm trước bất chấp lời can ngăn của ông nội Joe.
Những nhà hàng này đều vẫn làm theo công thức cũ của Annie và Mary thời thập niên 1930-1040 nhằm giữ nguyên hương vị làm nên tên tuổi của họ. Họ vẫn nhào bột và bọc gà để chiên cùng muối và mỡ lợn. Trong khi quán Chicken Mary’s bỏ trứng và sữa trong bột nhào thì Chicken Annie’s Original chỉ có trứng.
Donna Zerngast cưới Anthony Pichler bất chấp sự cạnh tranh giữa 2 gia tộc
Đối với những thực khách lạ miền Trung Tây Mỹ, gà rán của Annie và Mary đều có lớp vỏ giòn, nhẹ nhưng bên trong thịt lại mềm và ngọt. Tuy nhiên những thực khách bản địa của Pittsburg thì lại phân biệt rõ ràng được món gà của 2 gia tộc.
"Bạn có thể đặt đĩa gà của quán chúng tôi cạnh đĩa gà của quán kia và người bản địa sẽ biết món nào là của quán nào", nhân viên Lana Brooks đã làm 51 năm tại Chicken Mary’s cho biết. Theo bà Lana, điểm khác biệt của 2 quán có lẽ nằm ở lượng gia vị nêm nếm cho món ăn.
"Tôi nghĩ chìa khóa làm nên thành công của 2 nhà hàng là họ vẫn theo công thức cũ của Mary và Annie. Đây là yếu tố thu hút làm nên tên tuổi của 2 gia tộc đã ở đây nhiều năm. Nó đã trở thành một phần di sản của cộng đồng chúng tôi", bà Lana nói.
Sau nhiều năm, câu chuyện của quán Annie và Mary đã truyền cảm hứng cho ít nhất 9 tiệm gà rán mới đến quận Crawford mở cửa hàng.
"Chúng tôi luôn có những khách hàng trung thành, nhưng hàng tuần quán cũng đón thêm những thực khách mới từ khắp cả nước bởi họ nghe đến danh tiếng của chúng tôi", Missy Pichler thuộc thế hệ thứ 4 của gia tộc đang làm tại Chicken Annie’s Original và có con gái cũng đang làm bồi bàn ở đây cho biết.
Chia phe phái vì gà rán
Hàng tháng, gia đình Steve và Melissa Pulis cùng những người con lại lái xe 2 tiếng từ Missouri đến Pittsburg để ăn gà tại cả quán Mary lẫn Annie.
"Tôi thích gà ở quan Annie còn Stve lại ưa tiệm của Mary hơn. Tuy nhiên món rau trộn thì ngược lại, tôi thích cách tiệm Mary cho thêm tỏi vào nhưng Steve lại ghét điều đó", Cô Melissa Pulis nói.
Câu chuyện của gia đình Pulis khá phổ biến ở Crawford khi các mọi người bị chia thành phe phái do tranh cãi món gà rán cùng các món ăn kèm của Mary và Annie.
Hiện nay các quán của con cháu bà Annie lần Mary đều vẫn duy trì công thức cũ
Ông Al Eshelbrenner lớn lên ở Pittsburg và đã ăn ở quan Annie suốt 60 năm nay. Dù thừa nhận món gà của quán Mary cũng ngon chả kém nhưng ông Ashelbrenner cho rằng hương vị của chúng là khác nhau. Bản thân ông Ashelbrenner đã duy trì quan điểm của gia đình hàng chục năm nay và tiếp tục dẫn những người cháu của mình đến quán của Annie.
"Mọi người sẽ đưa chúng tôi đến quán của Annie vào mỗi chủ nhật và đây là thói quen mà tôi đã biết hàng chục năm nay. Mọi người sẽ không thực sự tranh luận về vấn đề này bởi họ đều tôn trọng ai cũng có khẩu vị và truyền thống gia đình riêng", ông Eshelbrenner nói.
Thậm chí, gia đình Eshelbrenner trung thành với quán gà của Annie đến nỗi họ thường xuyên đặt quán chuẩn bị bữa Giáng sinh cho cả gia đình hàng năm.
"Tôi nghĩ món khoai tây và bắp cải trộn là những món tôi thích nhất", anh Kristian Walker vốn sinh ra và lớn lên ở Pittsburg nhưng hiện chuyển đến Pennsylvania nói. Dù gia đình đã chuyển đi nhưng thỉnh thoảng anh vẫn lái xe 5 tiếng về quê cũ chỉ để ăn món gà mình ưa thích.
Tổ quốc