Đại chủ nợ VNCB
Tính sơ bộ, chỉ 4 khách hàng đã nợ Ngân hàng Xây dựng tới hơn 24.000 tỷ.
- 15-06-2016Tân Hiệp Phát: Chúng tôi không phải con nợ của Ngân hàng Xây dựng
- 14-06-2016Sau Phương Trang, Ngân hàng Xây dựng chỉ đích danh các con nợ lớn khác: Tân Hiệp Phát, Phú Mỹ,..
- 10-06-2016Những phản hồi từ phía Phương Trang trong vụ "3.000 tỷ đồng nợ xấu" tại Ngân hàng Xây dựng
Vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB – nay là CB) đã diễn ra được hơn 2 tuần và thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.
Trong phần tranh tụng bắt đầu từ hôm qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã công bố những thông tin khá bất ngờ (với người ngoài) về tình hình Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) – tiền thân của VNCB – và những nguyên nhân thực sự khiến cho ngân hàng thua lỗ.
Cụ thể, theo kết luận của NHNN thì có 3 nhóm nguyên nhân chính khiến cho TrustBank rơi vào thảm cảnh:
Thứ nhất, Bà Hứa Thị Phấn là cố vấn HĐQT và tỷ lệ sở hữu cao tại ngân hàng, thao túng tài chính ngân hàng để phục vụ các dự án, công ty của bà.
Thứ hai, nhóm khách hàng của Công ty Phương Trang đã sử dụng một lượng tiền lớn của ngân hàng Đại Tín mà cụ thể là của nhân dân đã chây ì trả nợ nhằm chiếm đoạt số tiền này của Ngân hàng Đại Tín gây khó khăn cho ngân hàng Đại Tín.
Thứ ba, HĐQT, ban điều hành Ngân hàng Đại Tín vi phạm luật các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng cho nhóm bà Hứa Thị Phấn và Phương Trang.
Về nhóm bà Phấn (nhóm Phú Mỹ), hiện chưa có con số cụ thể nào được tiết lộ về việc nợ nần của nhóm này đối với ngân hàng. Chỉ biết rằng tại Tòa, bà Hứa Thị Phấn nói rằng 3.600 tỷ đồng (trong tổng 4.700 tỷ thỏa thuận) mà Phạm Công Danh chuyển để trả tiền mua hơn 84% cổ phần đều được chuyển vào tài khoản ở VNCB để trả nợ cho ngân hàng. Nhóm Phú Mỹ đã vay tiền của VNCB để đầu tư bất động sản.
Còn nhóm Phương Trang, theo trả lời của vị đại diện VNCB tại tòa ngày 4/8 thì nhóm này đang nợ ngân hàng lên đến 9.700 tỷ đồng. Con số cũng trùng khớp với thông tin mà VNCB đưa ra hồi tháng 6 khi ngân hàng này tiến hành khởi kiện 10 món tổng cộng 3.000 tỷ đồng ở Phương Trang. Khi ấy nhóm Phương Trang phản bác và cho rằng nhóm chỉ nợ VNCB tổng cộng có 3.400 tỷ. Dù con số nợ nần cụ thể bao nhiêu thì sau này cũng sẽ rõ ràng hơn, có điều chắc chắn rằng đây là con nợ “khủng” của Ngân hàng Xây dựng.
Tại tòa ngày 4/7, ngân hàng VNCB cũng cung cấp một số liệu đáng chú ý về nợ nần của Tập đoàn Thiên Thanh – nơi ông chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Công Danh đồng thời là chủ tịch của VNCB trước khi bị bắt. Cụ thể, nợ và lãi của Thiên Thanh phải trả cho VNCB lên đến 6.667 tỷ đồng.
Còn một nhóm nữa cũng có mối quan hệ tài chính khá phức tạp với VNCB về việc vay trả, trả vay đó là nhóm Trần Ngọc Bích. Cho đến trước thời điểm xảy ra vụ án này thì nhóm bà Bích vẫn còn nợ ngân hàng 5.190 tỷ đồng tiền gốc. Hiện VNCB đang giữ 124 sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích với số dư tổng cộng 5.881 tỷ đồng. VNCB khẳng định chừng nào nhóm bà Bích chưa trả họ số tiền gần 5.200 tỷ kia thì họ sẽ không trả lại sổ tiết kiệm.
Như vậy, chỉ có vài nhóm nợ đã nợ VNCB tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Hiện còn Thiên Thanh, nhóm Ngọc Bích, nhóm Phương Trang, con số mà đại chủ nợ VNCB phải thu về cũng tới hơn 20.000 tỷ đồng.