MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại dịch Covid-19: Cuộc chiến "nghìn tỷ" của ông Trump và phe Dân chủ

30-03-2020 - 16:59 PM | Tài chính quốc tế

Một cá nhân, kể cả đó là Tổng thống, không thể đơn phương mở cửa hoặc đóng cửa nền kinh tế.

Các hệ tư tưởng chính trị lệch pha trong Quốc hội và trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cạnh tranh để xem phương pháp của phe nào sẽ vượt trội để đẩy lùi đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Cuộc đua đã trở thành một thứ giống như trò chơi có tổng bằng không: nếu một bên thắng thì bên kia thua.

Cuộc đối đấu về việc khoản vay 10 nghìn tỷ USD sẽ được chi vào y tế, kinh tế, hỗ trợ người lao động mất việc, hoặc các chương trình xã hội như thế nào còn đang chưa rõ hạ hồi ra sao: ngân sách được phân bổ hiện vượt quá tổng ngân sách liên bang 4 nghìn tỷ USD. Thêm vào đó, khoản dự kiến 8 nghìn tỷ USD tiếp sức cho nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang sẽ còn khiến tổng chi tiêu lớn hơn nữa. Món nợ quốc gia hiện giờ đang ở con số 23 nghìn tỷ sẽ bùng nổ vượt tầm kiểm soát trong nhiều thập kỷ tới. Hiện tại, GDP của nước Mỹ chỉ đạt khoảng 22 nghìn tỷ USD.

Năm nay là năm bầu cử Tổng thống - ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ, ông Joe Biden đang cố lái đất nước theo một hướng, trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang đi theo hướng ngược lại. Được ghi công hay phải chịu trách nhiệm về đại dịch - cả ở góc độ y tế và kinh tế, trong vài tuần tới, sẽ là yếu tố quyết định người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Và dù thế nào, nước Mỹ cũng sẽ vĩnh viễn thay đổi.

Đại dịch Covid-19: Cuộc chiến nghìn tỷ của ông Trump và phe Dân chủ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh minh họa: The Independent

Y tế, Kinh tế, Người lao động và Đại dịch

Không đơn thuần chỉ là tình trạng y tế khẩn cấp, các trường hợp tử vong và lây nhiễm Covid-19 đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng kinh tế ngay trước mắt, có thể lên đến quy mô như cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 nếu không tiến hành các biện pháp quyết liệt. Bởi vậy, các hệ tư tưởng chính trị của các đảng phái đang cạnh tranh nhau để quyết định xem chính sách kinh tế, y tế và xã hội nào sẽ được thực thi để giải quyết đại dịch.

Cách tiếp cận ban đầu của ông Trump là tuân thủ sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế và các nhà khoa học hàng đầu trong việc tìm hiểu về đại dịch và xử lý từ góc độ y tế. Thỉnh thoảng, ông Trump không kìm được việc đưa ra những nhận định mang tính ngẫu hứng cá nhân về việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, tuy nhiên việc đó không gây ảnh hưởng gì quá nghiêm trọng. Phần lớn hướng dẫn do các chuyên gia về y tế khuyến nghị bao gồm: tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc xã hội/giữ khoảng cách an toàn, thực hành vệ sinh cá nhân, xét nghiệm đại trà, tăng cường năng lực hệ thống y tế và cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Để tạo điều kiện thực hiện các khuyến cáo này, Tổng thống Trump đã phê duyệt hai đợt hỗ trợ từ ngân sách để mua thiết bị y tế và quần áo bảo hộ, phát triển vacxin và thuốc điều trị, cung cấp xét nghiệm virus miễn phí, xây dựng năng lực cho các bệnh viện và đội ngũ sơ cấp cứu. Các hệ thống y tế công cộng cũng đang theo dõi các trường hợp và thu thập lượng dữ liệu khổng lồ để quản lý công tác ứng phó với virus.

Về mặt kinh tế, Tổng thống Trump đã ban hành hướng dẫn trên toàn quốc, yêu cầu các tiểu bang và thành phố đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như quán bar và nhà hàng. Ông cũng đã thiết lập mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, các công ty bảo hiểm y tế, các công ty dược phẩm, bác sĩ, các tổ chức y tá và kỹ thuật viên y tế, và các phòng thí nghiệm, chưa kể các lĩnh vực khác như vận tải, trồng trọt, sản xuất thực phẩm, quản lý chuỗi cung ứng và nhiều hơn nữa để giúp quản lý đại dịch.

Gần đây, ông Trump bắt đầu nhắc đến việc mở cửa lại doanh nghiệp vào cuối tháng 4. Quan điểm của ông là nếu không làm như vậy nền kinh tế sẽ bị huỷ hoại vĩnh viễn. Báo cáo việc làm hàng tháng mới nhất cho thấy 3,3 triệu người Mỹ đã mất việc. Con số này không bao gồm hàng triệu chủ doanh nghiệp nhỏ, những người từ bỏ không tìm kiếm việc mới, những người làm hợp đồng ngắn hạn và những người làm việc tự do không gắn với một công việc cố định. Ông chủ Nhà Trắng lo lắng rằng nếu nền kinh tế chìm sâu vào khủng hoảng, sau đó là Suy thoái, thì có thể phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi. Điều này cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về mặt y tế.

Việc mở cửa lại nền kinh tế phản ánh một chiến lược phức tạp của Tổng thống Trump. Ở những khu vực dịch bùng phát mất kiểm soát, ông sẽ tiếp tục rót ngân sách "khủng" cho y tế nhằm chặn đứng dịch. Thành phố New York đã trở thành một trong những tâm dịch trên toàn cầu, tập trung một nửa số ca nhiễm ở Mỹ và đang nhận được rất nhiều ngân sách viện trợ.

Ở các khu vực khác của nước Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều, ông đang tham vấn các tiểu bang và thành phố mở cửa lại các doanh nghiệp ở các địa bàn mà điều kiện cho phép chứ không ồ ạt mở cửa toàn bộ. Ông nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp sẽ hoạt động và đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn y tế nghiêm ngặt: hạn chế tiếp xúc xã hội/giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo vệ sinh cá nhân và thực hiện xét nghiệm không thường xuyên. Ngoài ra, một chiến dịch PR quy mô lớn đang được thực hiện để cảnh báo người dân ở các khu vực nguy cơ cao không di chuyển đến các khu vực nguy cơ thấp.

Ông Trump tiếp tục nhấn mạnh rằng mục tiêu mở cửa lại nền kinh tế Mỹ vào tháng 4 của ông mới chỉ là dự kiến – thực tế có thực hiện hay không còn tùy thuộc vào việc thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến virus. Các chuyên gia y tế không tin rằng đại dịch sẽ được kiểm soát trong tháng 4, điều này làm nảy sinh căng thẳng với một số chuyên gia kinh tế có ý kiến ngược lại. Thực tế là việc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ bị trì hoãn.

Những kênh truyền thông không ưa ông Trump đang tỏ ra không sáng suốt về vấn đề này. Người dẫn chương trình của kênh MSNBC, Joe Scarborough đã phát đi thông tin sai rằng người đứng đầu nước Mỹ đang đánh đổi mạng sống của những cựu binh Thế chiến II và chiến tranh Việt Nam để cứu vãn nền kinh tế. CNN thì đưa tin rằng Tổng thống đang đặt lợi nhuận lên trên sinh mạng của người dân Mỹ. Và, nhiều kênh truyền thông khác thì cho rằng đế chế bất động sản của ông Trump, bằng cách nào đó, sẽ được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng và rằng đó là động lực của ông.

Trong khi đó, ông Trump tin rằng nhiệm vụ của ông là mang lại hy vọng cho đất nước trong cơn khủng hoảng. Ông nói rằng người dân sẽ ứng phó tốt nhất với khủng hoảng khi họ có mục tiêu và thời hạn hoàn thành. Ông cũng lưu ý rằng Đội đặc nhiệm do ông thiết lập với các thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các bác sĩ sẵn sàng bày tỏ quan điểm khác khi cần thiết. Đây là cách thức nên làm của chính phủ: khuyến khích nhiều quan điểm đối lập khác nhau, thu thập dữ liệu, đưa ra cân nhắc chính trị, xem xét các lựa chọn và quyết định.

Điều quan trọng nhất là: một cá nhân, kể cả đó là Tổng thống, không thể đơn phương mở cửa hoặc đóng cửa nền kinh tế. Quốc hội, thống đốc và các cơ quan lập pháp tiểu bang, và tòa án đều có quyền ủng hộ hoặc ngăn chặn hầu hết các quyết định liên quan đến kinh tế. Chúng ta cần nhớ lại rằng đảng Dân chủ đã nhiều lần thành công trong việc ngăn chặn hoặc cản trở các sáng kiến ​​và chính sách của ông Trump khởi xướng, đặc biệt là chính sách nhập cư, môi trường và thậm chí cả y tế; và tương tự như vậy với phe Cộng hòa dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Mọi việc rồi cũng đâu vào đó

Sự chia rẽ xấu xí giữa phe Dân chủ, Cộng hòa và Tổng thống Trump đã được thể hiện đầy đủ trong tuần này.

Trong tuần 22 tháng 3, ông Trump và Quốc hội đã đưa ra một gói cứu trợ kinh tế chưa từng có tiền lệ nhằm đảm bảo ổn định cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời gian chờ nền kinh tế mở cửa trở lại. Đây không phải là quỹ "kích thích" kinh tế giống như chương trình của chính quyền Obama giúp giải cứu hệ thống tài chính Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thượng viện đã soạn thảo dự luật khẩn cấp chỉ trong một vài ngày và đã đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng. Mỗi phe đều chấp nhận thoả hiệp ở mức độ nhất định để gói viện trợ được thông qua. Cả hai phía đều đóng góp đề xuất thay đổi giúp dự luật hoàn thiện hơn. Dự luật này bao gồm các khoản vốn vay, vay đảm bảo, và trợ cấp cho các doanh nghiệp và bồi thường thất nghiệp cho người lao động, cùng các khoản tài trợ khác nhau cho người thất nghiệp.

Ngay trước khi dự luật được thông qua lần cuối, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện (được coi là nhân vật quyền lực thứ hai chỉ sau Tổng thống) đã ngay lập tức kết thúc "kỳ nghỉ" của mình để quay về Washington và yêu cầu thông qua dự luật của chính bà đề xuất chứ không cần đến Thượng viện phải thoả hiệp. Bởi thời gian này không phải là phiên họp của Hạ viện nên các nghị sỹ Hạ viện đều hoặc chưa đọc hoặc chưa thông qua dự luật mà bà Pelosi áp đặt lên Thượng viện.

Nhiều người dân Mỹ đã nhận ra mánh khoé này của bà Pelosi. Nghị sỹ đảng Dân chủ, James Clyburn, người giữ vị trí quyền lực thứ ba Hạ viện và là người đã cứu chiến dịch tranh cử tổng thống đầy bấp bênh của ông Joe Biden tại Nam Carolina thậm chí đã tuyên bố: "Đại dịch là cơ hội lớn để tái sắp xếp lại mọi thứ cho phù hợp với tầm nhìn của chúng ta", đó chính là sự thay đổi xã hội toàn diện của nước Mỹ.

Bà Pelosi không bỏ lỡ cơ hội để đưa vào dự luật các chính sách phúc lợi cho người lao động chứ không tập trung nhiều vào nhóm đối tượng doanh nghiệp. Mục đích của bà là cản trở một dự luật được thoả hiệp nhằm giúp doanh nghiệp đứng vững để họ có thể tham gia vào việc mở lại nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

Đại dịch Covid-19: Cuộc chiến nghìn tỷ của ông Trump và phe Dân chủ - Ảnh 2.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters

Chúng ta cần nhớ lại rằng nội dung tranh cử của các ứng cử viên Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng là tập trung chỉ trích khu vực kinh tế tư nhân – họ gọi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn lớn, Phố Wall, các chủ nhà băng và các nhà đầu tư là xấu xa, tham nhũng, ích kỷ và đáng xấu hổ. Hai ứng cử viên cuối cùng của phe Dân chủ trong cuộc đua tranh, ông Joe Biden và ông Bernie Sanders còn muốn truy tố tội phạm đối với một số giám đốc điều hành của ngành dược phẩm, năng lượng, vận tải, ngân hàng và bảo hiểm.

Ngoài ra, dự luật của bà Pelosi đề xuất cũng bao gồm các khoản viện trợ cho phần lớn chương trình nghị sự thiên tả mà phe Dân chủ tập trung trong chiến dịch tranh cử năm vừa qua. Hầu hết các nội dung này lại không liên quan gì đến đại dịch hay kinh tế. Một số ví dụ có thể thấy là: yêu cầu các hãng hàng không đạt mục tiêu không phát thải cacbon vào năm 2025; yêu cầu các tập đoàn báo cáo rõ số lượng thành viên là người thuộc nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ và các nhóm "nhân dạng" khác trong hội đồng quản trị; xóa nợ cho dịch vụ bưu chính Hoa Kỳ; xoá các khoản nợ vay sinh viên; mở biên giới cho người nhập cư bất hợp pháp và chăm sóc y tế miễn phí… Mục đích của bà Pelosi là khoét sâu sự chia rẽ giữa doanh nghiệp với người lao động. Phe Dân chủ tin rằng phần lớn người lao động đang đứng về phía ông Trump.

Thậm chí bà Pelosi còn đưa vào dự luật một điều khoản đảm bảo rằng tất cả mọi công ty của ông Trump đều không được hưởng lợi từ nguồn tài trợ của chính phủ - điều khoản tạo ra giả định khiến cho ông Trump có thể bị nhìn nhận là tham nhũng từ góc độ nào đó.

Bà Pelosi đã khiến Thượng viện phải trì hoãn dự luật mất 3-4 ngày để suy xét tất cả các mưu tính của mình. Các nghị sỹ Cộng hoà đã lớn tiếng phản đối việc phe Dân chủ cố tình trì hoãn và cản trở dự luật khẩn cấp để tăng cường đẩy mạnh hệ tư tưởng của đảng mình.

Bất chấp mọi cố gắng của bà Pelosi, dự luật khẩn cấp - bao gồm khoản viện trợ 2 nghìn tỷ USD từ ngân sách liên bang và 4 nghìn tỷ USD cho các khoản vay và vay bảo lãnh của Ngân hàng Dự trữ Liên bang phối hợp với Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã được Thượng viện thông qua sau khi đã loại bỏ phần lớn nội dung bà Pelosi cố tình chèn vào khi trước.

Điều mỉa mai là khi Thượng viện phê chuẩn dự luật khẩn cấp thì bà Pelosi tổ chức họp báo để giành mọi công trạng trong dự luật này và hứa hẹn rằng bà sẽ đảm bảo để Hạ viện thông qua.

Đảng Dân chủ ngày càng một mình một lối

Đảng Dân chủ đã hứng chịu một đòn nặng nề trong kế hoạch giành lại chiếc ghế Tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Bà Pelosi đã thất bại nặng nề khi dự định ngăn cản Thượng viện thông qua dự luật khẩn cấp. Với động thái đó chính bà đã tặng cho đảng Cộng hoà một chủ đề tranh cử trong vài tuần tới.

Ông Trump đã chiến thắng phe Dân chủ trong việc quản lý đại dịch cả ở phương diện y tế và kinh tế với xếp hạng đánh giá ở mức cao. Trong một khảo sát mới đây của Gallup, 60% người dân Mỹ hài lòng với cách ông xử lý đại dịch.

Nhờ việc trông cậy vào các chuyên gia y tế, ông Trump đã khiến phe Dân chủ không có cách nào tiếp tục chỉ trích ông. Nhiều thành viên của đội đặc nhiệm chính là những chuyên gia từng được ông Obama chỉ định quản lý chiến dịch chống đại dịch cúm heo, HIV/AIDS và Ebola! Phe Dân chủ cũng không thể chỉ trích hệ thống ứng phó dịch bệnh của ngành y tế bởi hệ thống này có từ thời ông Obama. Mà nếu họ lên tiếng chỉ trích ông Obama thì không khác gì chỉ trích ông Biden, là Phó tổng thống của ông Obama. Ông Trump biết cách tận dụng chi tiết này.

Hơn nữa, Tổng thống đã xây dựng được mối quan hệ đối tác hiệu quả với ba thống đốc của phe Dân chủ luôn lớn tiếng chỉ trích ông: ông Gavin Newsom, thống đốc bang California; ông Andrew Cuomo, bang New York; và ông Oblley, bang Washington. Cả ba tiểu bang hiện đều là tâm dịch. Tổng thống đã phối hợp với các thống đốc để cung cấp trang thiết bị y tế, viện trợ cho các bệnh viện và đội ngũ sơ cấp cứu. Ông Trump cũng tạo điều kiện thử nghiệm các loại thuốc để giúp bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Ông đã miễn trừ nhiều quy định của chính phủ, chỉ đạo quân đội xây dựng một số bệnh viện dã chiến và lệnh cho Hải quân di chuyển các tàu bệnh viện của mình đến hỗ trợ cho California và New York.

Trong một diễn biến đối nghịch, ông Bernie Sanders đã tổ chức một số cuộc họp báo để chỉ trích ông Trump về hoạt động ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, ông chỉ đưa ra được một đề xuất chính sách duy nhất là cho rằng hệ thống y tế công của ông đề xuất với tên gọi "Y tế cho mọi người" ("Medicare for All") đã có thể giúp ngăn chặn được cuộc khủng hoảng này. Ông Sanders không giải thích được tại sao các nước châu Âu có hệ thống này đều đang chìm trong khủng hoảng cực độ. Mọi đề xuất khác ông Biden đưa ra đều trùng với những việc ông Trump đã tiến hành.

Dấu ấn của ông Joe Biden đã nhạt nhoà trên đường đua bất chấp việc ông đã dẫn trước ông Sanders trong vòng sơ bộ. Ông Biden đã thực hiện cái gọi là cuộc họp báo "đối lập" phát qua Skype từ tầng hầm nhà ông ở Connecticut. Các buổi phát sóng cực kỳ nghiệp dư và yếu kém do trục trặc kỹ thuật. Ông Biden cứ lặp đi lặp lại một thông điệp rằng ông Trump cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các bác sỹ. Có vẻ như ông không ý thức được ông Trump đang làm những gì.

Về phần mình, ông Trump tuyên bố rằng phe Dân chủ và truyền thông sẽ không bao giờ dành cho ông bất kỳ sự nghi nhận nào dù ông có làm gì chăng nữa.

Ông coi những cuộc tấn công gần đây là sự tiếp nối những nỗ lực trước đây của phe Dân chủ nhằm hạ bệ ông. Trong 3 năm tại vị của ông Trump, đảng Dân chủ đã tiến hành các cuộc chiến bất thành để chống lại ông, như mở ra các cuộc điều tra, kiện tụng pháp luật và tố tụng luận tội… Nhưng hiện tại, những thông tin ngập tràn trên truyền thông về đại dịch Covid-19 dường như đã xoá sạch mọi thông tin về các cuộc tấn công trước đó của phe Dân chủ đối với ông Trump.

Có vẻ như phe Dân chủ đang thất thế trong cuộc đua với ông Trump. Ít nhất là cho đến thời điểm này.

Đại dịch Covid-19: Cuộc chiến nghìn tỷ của ông Trump và phe Dân chủ - Ảnh 3.

Ông Bernie Sanders và ông Joe Biden. Ảnh: CNBC

Trận chiến phía trước

Rõ ràng với hàng nghìn tỷ USD được chi để chống lại đại dịch lần này, cả đảng Dân chủ, Cộng hòa và Tổng thống Trump đều muốn nắm quyền kiểm soát với mục đích vừa để được ghi nhận nỗ lực chặn đứng đại dịch vừa để đạt được mục tiêu chính trị của phe mình: hoặc đó là mục tiêu thay đổi toàn diện nước Mỹ thành một quốc gia thiên tả hoặc là mục tiêu duy trì nền kinh tế thị trường tự do và xã hội dân chủ.

Đồng thời, tất cả các bên đều muốn đổ lỗi cho phía bên kia khi các mục tiêu cao cả đã đề ra không đạt được. Chắc chắn, sẽ còn nhiều kế hoạch đã đề ra mà không thực hiện được.

Dù phe nào thắng, cả trong cuộc bầu cử tổng thống và các lĩnh vực khác, nước Mỹ sẽ vĩnh viễn thay đổi.

Nước Mỹ sẽ ngập sâu trong nợ nần, các hệ thống tài chính sẽ rơi vào khủng hoảng, các nguồn lực công sẽ giảm và rất nhiều người sẽ phải vật lộn với khó khăn.

Đại dịch Covid-19: Cuộc chiến nghìn tỷ của ông Trump và phe Dân chủ - Ảnh 4.

Dù phe nào thắng, chính phủ sẽ can thiệp nhiều hơn vào cuộc sống thường nhật của người dân, vào nền kinh tế và hệ thống y tế, bất kể hậu quả tốt xấu ra sao.

Người dân Mỹ sẽ phải suy nghĩ đắn đo nhiều hơn khi điền vào lá phiếu bầu ra vị tổng thống tiếp theo.

Các đảng phái chính trị sẽ phải cân nhắc về những lợi ích lớn nhất cho đất nước, thay vì lợi ích đảng phái. Và, những người đang khao khát ngồi ở chiếc ghế tổng thống sẽ phải suy nghĩ về việc liệu họ có sẵn sàng cho vị trí này không.

Đại dịch Covid-19: Cuộc chiến nghìn tỷ của ông Trump và phe Dân chủ - Ảnh 5.

Theo Tiến sỹ Terry F. Buss – Thúy Đào chuyển ngữ

Trí thức trẻ

Trở lên trên