Đại gia Ấn Độ muốn 'cạnh tranh' với tỷ phú Trần Đình Long tại dự án nằm trong gói 5 tỷ USD của Hòa Phát ở Phú Yên?
Ông lớn trong ngành sản xuất hoá chất của Ấn Độ là Kanoria Chemicals & Industries (KCI) bày tỏ sự quan tâm đến dự án Cảng nước sâu Bãi Gốc, đồng thời cũng muốn tìm hiểu về dự án nhà máy lọc dầu và dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Tuy Hòa.
- 09-05-2024Sản lượng bán hàng lần đầu vượt 800.000 tấn sau 2 năm, cổ phiếu tăng liền 4 phiên kéo vốn hóa của Hòa Phát vượt PV Gas, Vingroup, Vinhomes, Vietinbank... để xếp thứ 3 trên HoSE
- 06-05-2024Hòa Phát vừa làm được điều chưa từng có trong hai năm qua
- 08-04-2024Sản lượng bán thép quý 1/2024 của Hòa Phát tăng 34%, cập nhật tiến độ 'đại' dự án Dung Quất 2
Mới đây, ông lớn trong ngành sản xuất hoá chất của Ấn Độ là Kanoria Chemicals & Industries (KCI) cũng đã cho thấy sự chú ý tới Việt Nam, khi bày tỏ sự quan tâm đến dự án Cảng nước sâu Bãi Gốc tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, đồng thời cũng muốn tìm hiểu về dự án nhà máy lọc dầu và dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Tuy Hòa.
Đáng chú ý, Cảng Bãi Gốc cũng là một trong 3 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 120.000 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD) mà Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tỉnh Phú Yên hồi đầu tháng 3/2024.
Cụ thể, 3 dự án của Hòa Phát tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên bao gồm Cảng Bãi Gốc (khoảng 24.000 tỷ), Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (13.300 tỷ) và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (86.000 tỷ).
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2024 diễn ra vào tháng 4, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát khẳng định sẽ rót 5 tỷ USD vào Phú Yên và làm Dự án KLH Gang thép Hòa Phát Phú Yên, trong khi có khả năng từ bỏ dự án bô-xit tại Đăk Nông.
Giai đoạn 2024-2030, Phú Yên kêu gọi đầu tư 70 dự án thuộc nhiều lĩnh vực.
Trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, lĩnh vực luyện kim, năng lượng có 3 dự án, gồm: Tổ hợp hóa lọc dầu, diện tích 350ha, vốn đầu tư 5 tỷ USD (tương đương 122.525 tỷ đồng); Khu liên hợp gang thép, diện tích 498ha, vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng và dự án Kho LNG, vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD (tương đương 44.109 tỷ đồng).
Lĩnh vực giao thông vận tải, cảng biển, logistics cũng có 3 dự án. Trong đó, dự án đầu tư Cảng Bãi Gốc có diện tích 220ha, vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Các dự án: Trung tâm logistics tại Đông Hòa gắn với Cảng cạn (ICD) phục vụ Cảng Vũng Rô và Cảng Bãi Gốc; Đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Tuy Hòa, vốn đầu tư sẽ theo đề xuất của nhà đầu tư…
Dự án cảng nước sâu Bãi Gốc có diện tích thiết kế là 220 ha, trong đó có 134 ha đất liền và 86 ha mặt nước, độ sâu từ 20 đến 25m. Cảng được thiết kế để tiếp nhận tàu có công suất 50.000 DWT. Trong tương lai, cảng Bãi Gốc sẽ được nâng cấp để có thể tiếp đón các tàu có công suất lên tới 250.000 DWT.
Dự án nhà máy lọc dầu và mở rộng sân bay Tuy Hoà đều là những dự án trọng điểm trong việc thúc đẩy kinh tế của Phú Yên phát triển nhiều năm tới đây. Tập đoàn KCI đã được giới thiệu sơ bộ về các dự án nêu trên và sẽ được tạo mọi điều kiện để tiếp cận thông tin nhằm phục vụ đầu tư trong thời gian tới.
Có tuổi đời hơn 60 năm, Kanoria Chemicals & Industries (KCI) là doanh nghiệp sản xuất hoá chất hàng đầu của Ấn Độ. Các sản phẩm chính của công ty gồm có xút, clo lỏng, axit clohydric, bột tẩy trắng ổn định, formaldehyde… được ứng dụng nhiều trong ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng. Hiện tại, công ty đang sở hữu 3 nhà máy lớn tại Ankleshwar, Visakhapatnam và Naidupeta để phục vụ khách hàng tại Ấn Độ. KCI cũng rất chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới cũng như giảm thiểu chất thải ra môi trường, khi sở hữu một trung tâm R&D lớn tại Ankleshwar để phục vụ những mục đích này.
Bên cạnh ngành kinh doanh chính, trong những năm gần đây, KCI có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực khác nhằm mở rộng ảnh hưởng. Công ty bắt đầu phát triển và sản xuất các mô-đun điện tử cũng như những thiết bị điều khiển dành cho ô tô kể từ năm 2012, sau khi mua lại APAG Holding AG – một doanh nghiệp có trụ sở tại Thuỵ Sĩ.
KCI cũng thành lập công ty con tại Ethiopia để sản xuất vải Denim với công suất 12 triệu mét mỗi năm và tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Tuy nhiên vào ngày 3/5 vừa qua, KCI đã bán bộ phận kinh doanh về năng lượng mặt trời với mức giá khoảng 82 triệu INR (gần 1 triệu USD).
Là tập đoàn hoá chất lớn nhất tại Ấn Độ, song với nhiều yếu tố thiếu ổn định liên quan đến nguyên liệu đầu vào, KCI buộc phải mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Việc tìm hiểu và nghiên cứu các thông tin liên quan đến việc đầu tư vào cảng nước sâu Bãi Gốc, sân bay Tuy Hoà và nhà máy lọc dầu tại Phú Yên có thể chính là cách để doanh nghiệp Ấn Độ thực hiện điều đó trong thời gian tới đây.
Trong năm tài chính 2023, doanh nghiệp đã đạt được mức doanh thu tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái khi đạt 15,6 tỷ INR (tương đương 186,7 triệu USD, +14,7%), trong đó mảng kinh doanh về điện tử phát triển mạnh mẽ và đứng đầu cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Việc sản xuất các thiết bị điện, điện tử và điều khiển dành cho ô tô đã mang lại khoảng 7 tỷ INR cho doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 45% tổng doanh thu.
Mặc dù vậy, do các loại chi phí tăng rất cao trong năm này, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu đầu vào khiến cho tập đoàn chịu thua lỗ ở mức 129 triệu INR (1,5 triệu USD). Sau giai đoạn 2020 – 2021 có sự tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận của công ty giảm mạnh trong năm sau đó và bị thua lỗ trong năm kế tiếp. Mặc dù vậy, tập đoàn vẫn tương đối tự tin với kế hoạch các năm tiếp theo, đặc biệt trong hai mảng kinh doanh chính là hoá chất và điện – điện tử.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của KCI là ông Rajya Vardhan Kanoria. Ông cũng là thành viên HĐQT của Nestle Ấn Độ.
An ninh Tiền tệ