"Đại gia" ôtô, bất động sản... bán mì gói, nước tương
Xu hướng bán lẻ theo mô hình "một điểm dừng, nhiều tiện ích" hoặc tích hợp nền tảng bán lẻ online - offline với sự tham gia của các gương mặt mới được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
- 07-05-2021Tốn kém vẫn mê bán lẻ đa kênh
- 22-04-2021Lương tuyển dụng cao nhất Quý 1/2021 là 230 triệu đồng, thuộc mảng Bất động sản và Bán lẻ
- 30-03-2021Gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ lên môi trường trực tuyến
Các "ông lớn" lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản, hàng tiêu dùng… lần lượt nhảy vào lĩnh vực bán lẻ , thúc đẩy mô hình chuỗi giá trị khép kín đồng thời khơi mào cho cuộc cạnh tranh mới trên thị trường theo hướng hiện đại hóa.
Đua nhau đổ vốn vào bán lẻ
Trao đổi với cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, chia sẻ khá nhiều về kế hoạch tham gia lĩnh vực bán lẻ. THACO đã ký hợp đồng mua lại siêu thị Emart tại Việt Nam từ Tập đoàn Emart (Hàn Quốc), đang xúc tiến xây dựng một số siêu thị mới, kế hoạch sẽ mở thêm chuỗi 3-4 siêu thị trong năm 2022 và tăng lên con số 11 điểm bán vào năm 2025.
Với nền tảng hiện tại trong 4 lĩnh vực ôtô - cơ khí, bất động sản - hạ tầng, logistics và nông nghiệp, chủ tịch tập đoàn công nghệ đa ngành này bày tỏ quyết tâm làm đến cùng mô hình "một điểm dừng, nhiều tiện ích". Điểm dừng này vừa là nơi để khách hàng mua và bảo dưỡng ôtô vừa trải nghiệm trung tâm hội nghị - tiệc cưới, các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà lẫn mua sắm các thực phẩm thiết yếu. THACO tự tin không quá khó để vận hành mảng bán lẻ nếu như bảo đảm hiệu quả của từng cửa hàng như cách Emart đã làm, đồng thời đặt kỳ vọng doanh thu từ hoạt động bán lẻ của siêu thị Emart trong năm nay sẽ đạt hơn 1.800 tỉ đồng - tăng 10% so với năm 2020.
Cũng khẳng định tham gia sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, xây dựng chuỗi khép kín, Tập đoàn Nova Group đang hoàn thiện các khâu cuối để chính thức ra mắt lĩnh vực này trong những tháng cuối năm 2021. Ông Tôn Thất Đề, Tổng Giám đốc Nova Consumer Group (thành viên của Nova Group), cho hay công ty đã có quá trình chuẩn bị dài hơi. Những năm gần đây, Nova Group đầu tư hơn 200 triệu USD để sở hữu nhiều thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng, trong tương lai sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa để đẩy mạnh sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng.
Trước mắt, Nova Consumer Group ưu tiên sản xuất 3 nhóm ngành thực phẩm - thức uống - dinh dưỡng. "Chúng tôi làm chủ được nguồn nguyên liệu, hoàn thiện dần khâu sản xuất và bắt đầu đặt nền móng cho hệ thống phân phối hàng hóa của mình" - ông Đề chia sẻ. Theo ông, công ty còn có chiến lược xuất khẩu tại chỗ thông qua các đô thị du lịch do Tập đoàn Novaland phát triển.
"Anh cả" trong ngành thực phẩm là Tập đoàn Kido cũng tham gia thị trường được đánh giá là còn nhiều tiềm năng này thông qua việc ra mắt Chuk Chuk (thương hiệu kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát trực thuộc Công ty CP Đầu tư Thương mại TTV - thành viên của Kido) với tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng. Trong đó, Kido sẽ tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống cửa hàng bán lẻ và sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư để tăng cường mở rộng quy mô trong tương lai.
Kido đặt mục tiêu phát triển thành công chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế với hệ thống 1.000 cửa hàng trên toàn quốc cho đến hết năm 2025. Ngay trong 6 tháng cuối năm, sẽ có khoảng 58 cửa hàng Chuk Chuk đi vào hoạt động.
THACO đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu Emart khoảng 10% trong năm nay Ảnh: Ngọc Ý
Thúc đẩy mô hình bán lẻ hiện đại
Masan - "ông lớn" ngành hàng tiêu dùng - sau khi mua lại hệ thống Vinmart từ Vingroup (sẽ đổi tên thành Winmat trong năm nay) và tái cấu trúc thành công chuỗi siêu thị này vừa bắt tay với nhóm nhà đầu tư, gồm Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA), nhằm phát triển mô hình bán lẻ tích hợp online - offline và bán lẻ - tài chính.
Theo thỏa thuận, nhóm nhà đầu tư rót 400 triệu USD để sở hữu 5,5% cổ phần The CrownX (nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Công ty Masan Consumer Holdings, Công ty Dịch vụ thương mại VinCommerce).
Sự kết hợp của nhóm nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và công nghệ với doanh nghiệp (DN) dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, sở hữu hệ thống bán lẻ có nhiều điểm bán nhất hiện nay hứa hẹn đưa The CrownX thành một nền tảng "tất cả trong một", phục vụ tất cả nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm online lẫn offline.
Theo ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group, ưu tiên hàng đầu của tập đoàn này là hiện đại hóa thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm của Việt Nam. Còn theo các chuyên gia, bước đi của Masan có thể sẽ khởi đầu cho xu hướng phát triển mô hình bán lẻ truyền thống sang hiện đại, cùng với đó là cuộc chạy đua mới trên thị trường bán lẻ theo hướng hiện đại hóa ở mức độ cao hơn. Trong cuộc đua mới này, Masan với lợi thế tập hợp sức mạnh của hệ thống bán hàng hiện hữu, các DN sản xuất hàng tiêu dùng lớn và nền tảng trực tuyến hàng đầu của Lazada nên có rất nhiều lợi thế mà các DN khác không thể một sớm một chiều theo kịp.
Lý giải nguyên nhân các tập đoàn lớn đua nhau rót vốn vào bán lẻ, một chuyên gia bán lẻ cho rằng một mặt, sự tham gia của những "tay chơi mới" với tiềm lực tài chính mạnh và những mối liên kết hợp tác với các DN giàu kinh nghiệm trong những mảng liên quan sẽ tạo nên làn gió mới và là động lực cho ngành bán lẻ phát triển. Mặt khác, bản chất của việc đầu tư này là xu hướng hình thành, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa và nhà kinh doanh cần nối những mảng liên quan lại với nhau để hoàn chỉnh hệ sinh thái của mình. Đơn cử, DN kinh doanh bất động sản xây dựng những khu đô thị, trong đó bao gồm siêu thị, đại siêu thị, để gia tăng giá trị cho sản phẩm chính; siêu thị, đại siêu thị cũng chính là đầu ra cho các sản phẩm từ trang trại, nhà máy mà DN đã đầu tư.
"Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là dòng tiền đổ vào bán lẻ là tiền tươi, DN dùng tiền đó để xoay vòng phục vụ các dự án thuộc mảng khác" - chuyên gia này phân tích.
Khả năng "xây để bán"
Các chuyên gia kinh tế cho rằng thay vì đầu tư xây mới, các DN có xu hướng mua để phát triển nhằm rút ngắn thời gian đầu tư. Không loại trừ khả năng các "đại gia" đổ tiền vô sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ bằng cách mua lại những DN đã có sẵn, "gia cố", phát triển rồi bán lại cho DN khác. Trường hợp không bán được thì tiếp tục khai thác cũng tốt, bởi với bản lĩnh làm ăn của các "đại gia", việc vận hành thành công một chuỗi bán lẻ không phải là điều quá khó.
Người lao động