Đại học gắn mác dành cho rich kid, tưởng “vào dễ” mà có ngành gần 27 điểm: Sở hữu cả khách sạn 5 sao, ngân hàng giả lập ngay trong trường
Đây là trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam đưa hệ thống nhận diện khuôn mặt trong việc giám sát thi cử và điểm danh nhằm hướng đến mục tiêu “học thật, thi thật”. Vì thế, dẫu là trường ngoài công lập, song điểm chuẩn và chất lượng đào tạo của trường luôn ở mức cao.
- 05-07-2023Bố học vấn cao nhưng vẫn thất bại, chỉ “nằm dài” ở nhà: Đến đời con tìm mọi cách thay đổi, nhận về cái kết bất ngờ
- 04-07-2023Tại sao thế hệ 6-7X có thể tiết kiệm cả đời còn người trẻ ngày nay thì không?
- 27-06-2023Tâm thư giáo sư gửi con trước kì thi đại học gây xôn xao cõi mạng: Người ta nói học nhiều cũng vô dụng nhưng hiếm ai không học mà thành tài
ĐH Thăng Long là trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 1988. Sáng lập, gây dựng trường là nữ giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính. Hiện nay, bà vẫn tham gia quản lý, điều hành và giữ chức danh Chủ tịch hội đồng trường. Giữ lửa truyền thống của trường và phát triển trường theo hướng hiện đại, ứng dụng là con trai bà - ông Trương Ngọc Kim, Phó chủ tịch hội đồng trường. Trải qua 35 năm hình thành và phát triển, ngôi trường này khẳng định được vị thế vì cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu ở Hà Nội, chất lượng giảng dạy ở đa lĩnh vực với 21 ngành học.
Ngôi trường này đào tạo từ những ngành luôn hot như Ngôn ngữ, Kinh tế, Công nghệ thông tin đến những ngành “hiếm” hơn, đang dần trở thành thế mạnh của trường như Thanh nhạc, Truyền thông đa phương tiện. Trong những năm gần đây, ĐH Thăng Long liên tục mở nhiều ngành học mới nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động và có thể trở thành xu thế trong tương lai như Logistics, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế…
Một câu nói cửa miệng thường gắn với ĐH Thăng Long chính là ngôi trường dành cho con nhà giàu khi cơ sở vật chất hiện đại, mức học phí khá cao so với trường công lập. Tuy nhiên trên thực tế, khi nhiều trường ĐH khác đã bắt đầu chương trình tự chủ tài chính, học phí tại ĐH Thăng Long không còn thuộc top. Năm 2023, học phí cao nhất trường là ngành Truyền thông đa phương tiện ở mức 39 triệu đồng/ năm học. Các ngành còn lại dao động 27-31,5 triệu đồng/năm học.
Điểm chuẩn và tỷ lệ sinh viên có việc làm ở ngưỡng cao
Xét tuyển 23 chuyên ngành, năm 2022, trường ĐH Thăng Long chứng kiến mức điểm chuẩn xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng nhẹ so với 2021. Theo đó, điểm chuẩn của trường dao động 19-26,8 điểm.
Những ngành có điểm chuẩn dẫn đầu tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực được nhiều sĩ tử quan tâm như truyền thông đa phương tiện, luật kinh tế, marketing. Ngành có điểm chuẩn cao nhất thuộc về Truyền thông đa phương tiện, 26,8 điểm. Mức điểm này đã tăng 0,8 điểm so với mức 26 của năm 2021.
Theo đó, sinh viên theo học ngành này được đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường để có thể làm việc tại các cơ quan thông tấn; thiết kế đồ hoạ 2D, 3D; xây dựng kịch bản, lên ý tưởng sản xuất các sản phẩm truyền thông cho doanh nghiệp hay xử lý khủng hoảng truyền thông trong doanh nghiệp.
Ngành học có mức điểm chuẩn xếp sau Truyền thông đa phương tiện là Luật Kinh tế và Marketing với mức điểm chuẩn lần lượt là 26,1 và 25,75.
Dẫu là trường ngoài công lập, song với mức điểm này, đòi hỏi sĩ tử phải đạt ít nhất 8 điểm/môn mới có thể theo học. Thực tế, ngoài 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất, các ngành học khác tại trường chủ yếu đều trên 24 điểm/3 môn.
Chỉ một số ít ngành học có điểm chuẩn dưới mức này như Việt Nam học (23,50 điểm), quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành (23,75 điểm), quản trị khách sạn (23,50 điểm) ngôn ngữ Nhật (23,50 điểm), điều dưỡng (19 điểm).
Theo ông Trương Ngọc Kim - Phó chủ tịch hội đồng trường, ĐH Thăng Long đề cao tính trải nghiệm, ứng dụng thực tế. Vì vậy, chương trình học được cập nhật thường xuyên, bắt kịp xu hướng quốc tế nhằm đảm bảo cho sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc khi còn đi học.
Đại học Thăng Long còn chú trọng rèn kỹ năng tự học, nghiên cứu tài liệu cho sinh viên. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể thích ứng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp khắt khe của xã hội hiện đại. Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh viên có cơ hội thực tập và nhận học bổng du học ngắn ngày tại các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm của trường dao động ở mức 85-95%, theo thông tin được công bố trên website của trường vào tháng 6/2022. Một số ngành hot như khoa học máy tính, tài chính ngân hàng đạt tỷ lệ sinh viên có việc làm ở mức cao, lần lượt là 96,88% và 93,44%.
Những sự thật thú vị về ĐH Thăng Long
Một trong những trường đầu tiên của Việt Nam áp dụng hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ từ năm 1998
Với hình thức đào tạo này, sinh viên có thể chủ động sắp xếp kế hoạch học tập và lựa chọn môn học phù hợp với khả năng và điều kiện cá nhân trong khuôn khổ chương trình từng ngành. Sinh viên có nhiều thuận lợi khi chuyển ngành học hoặc học nhiều ngành, sinh viên giỏi có thể ra trường trong thời gian ngắn nhất.
Trường đầu tiên tại Việt Nam thử nghiệm hệ thống camera nhận diện khuôn mặt trong giờ kiểm tra, thi cử
Với phương châm "Học thật, thi thật", năm 2020 nhà trường đã chính thức đưa vào thử nghiệm hệ thống camera giám sát kết hợp hệ thống nhận diện khuôn mặt trong kiểm tra và thi cử tại 1 số phòng thi. Hệ thống nhận diện sinh viên sẽ lấy dữ liệu gốc từ ảnh và vân tay của Sinh viên để xác thực một cách chính xác 100%. Trước đó, đây là ngôi trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam thử nghiệm hệ thống điểm danh thông minh, tự động nhận diện khuôn mặt sinh viên đến lớp.
Cơ sở vật chất “sang - xịn - mịn”
ĐH Thăng Long gây ấn tượng với cơ sở vật chất được đầu tư chỉn chu, được sinh viên đánh giá là “đáng đồng tiền bát gạo”. Trường có đa dạng các phòng chức năng, với trang thiết bị hiện đại như Trung tâm thực hành tài chính và ngân hàng giả lập Core Banking, tổ hợp nhà hàng - khách sạn với hơn 20 phòng tiêu chuẩn 5 sao, trường quay ảo 3D đạt tiêu chuẩn độ phân giải 4K… Nhờ đó sinh viên có cơ hội thực hành sát với môi trường thực tế của các doanh nghiệp, khách sạn.
Ngoài ra mỗi khu giảng đường đều có một thư viện với diện tích gần 200m2 tạo điều kiện thuận tiện cho sinh viên tự học, nghiên cứu sau giờ lên lớp.
Ngoài các phòng học chuyên môn, khuôn viên trường còn có những khu vực dành cho hoạt động thể chất và đời sống tinh thần như phòng gym, khu thể chất, sân bóng rổ, vườn sinh viên,... để sinh viên phát triển bản thân toàn diện nhất.
ĐH Thăng Long cũng là một trong những ngôi trường chịu chi nhất trong khoản trang trang trí khuôn viên trường những dịp lễ đặc biệt. Trường từng lắp đặt cả hệ thống phun tuyết nhân tạo và một cây thông khổng lồ cực bắt mắt trong mùa Noel, khiến không gian trường lung linh không khác gì khuôn viên các trường đại học châu Âu.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường