Đảm bảo kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra
Theo đại biểu Quốc hội, trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.
- 17-01-2024Người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được ứng 1 tháng lương đón Tết
- 17-01-2024Tỉnh thu ngân sách lớn nhất Việt Nam đặt mục tiêu lên thành phố trực thuộc Trung ương
- 17-01-202410 tỉnh thành nào vừa thu ngân sách cao nhất nước?
Quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ ngân sách
Chiều 16/1, tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội, đóng góp ý kiến phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất với cơ chế đặc thù thực hiện dự toán chi thường xuyên.
Theo đại biểu, trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.
Nhưng bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cũng còn những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...
Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho Hội đồng Nhân dân địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ khi nào cần thiết Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần. Theo đại biểu, nên xem xét giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.
Phân cấp cho Hội đồng Nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi tiết đến dự án thành phần
Góp ý về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) nêu rõ, dự thảo quy định theo hướng Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng Nhân dân cấp huyện quyết định.
Đại biểu đặt vấn đề, trường hợp cần thiết là trường hợp nào, trường hợp nào là không cần thiết hiện chưa làm rõ. Đại biểu đề nghị phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Về khoản 4 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất, theo đại biểu Lò Thị Luyến việc giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất là phù hợp.
Tuy nhiên, cần phải làm rõ một số nội dung cụ thể như: Trường hợp nào cơ quan quản lý Nhà nước được giao cho chủ dự án phát triển sản xuất? Đại biểu đề nghị quyết định cụ thể chỉ tiêu giao cho chủ dự án thực hiện mua sắm đó là trên cơ sở đề xuất của chủ dự án theo đơn đề xuất để các cơ quan tổ chức thực hiện cho thuận lợi.
Ngoài ra, theo Nghị định 38 có quy định về nội dung việc mua sắm cây trồng, vật nuôi theo hướng ưu tiên sử dụng giống cây trồng vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Nhưng các địa phương chưa triển khai thực hiện được quyết định này do vướng mắc về tiêu chuẩn giống vật nuôi và giá cả thị trường.
Dẫn chứng thực tiễn tại Điện Biên, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị được mua con giống tại địa bàn là giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan kinh nghiệm của người dân như là về chiều cao về cân nặng, về vòng bụng, vòng cổ, màu da... là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Do đó nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị là bổ sung vào dự thảo: Trường hợp mua sắm giống, cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật gia cấp tỉnh, ban hành và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
Đại biểu cũng có ý kiến về việc định giá giống cây trồng vật nuôi khi mua trực tiếp từ người dân cũng có vướng mắc. Dự thảo Nghị quyết đã có quy định là cơ quan tài chính cung cấp hoặc ủy ban dân cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường. Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị nội dung này nên quy định theo hướng giao cho các huyện thành lập Tổ thẩm định giá giống vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để triển khai thực hiện; phải quyết định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá như vậy thì địa phương mới triển khai được việc ưu tiên sử dụng giống địa phương.
Báo Chính phủ