Đảm bảo ổn định nguồn lực khi điều tiết các nguồn điện
Việc tạo cơ chế minh bạch, công bằng sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển các dự án năng lượng.
- 26-12-2023Được rót gần 3 tỷ USD trong một tháng, một địa phương “soán ngôi” Quảng Ninh trở thành nơi hút vốn FDI nhiều nhất Việt Nam năm 2023
- 26-12-2023TP HCM truy thu, xử phạt hơn 7.000 công ty sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
- 26-12-2023Vốn ngoại từ Nhật Bản và Hàn Quốc “nườm nượp” kéo về một tỉnh "đất chật người đông" top đầu Việt Nam
Đảm bảo ổn định nguồn lực khi điều tiết các nguồn điện - VTV.VN
Nhằm đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong thời gian tới, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1412. Nội dung công điện nêu rõ cần chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
Một trong những nội dung được Thủ tướng chỉ đạo đó là các bộ, ngành cần chủ động, tích cực, kịp thời hơn nữa việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo, không để lãng phí nguồn lực xã hội.
Lũy kế đến hết tháng 11 năm nay, sản lượng điện toàn hệ thống đạt trên 257 tỷ kWh, trong đó tỷ lệ huy động các nguồn điện như: thủy điện chiếm gần 30%, nhiệt điện than chiếm gần 45,7%, năng lượng tái tạo là 13,5%; tua bin khí gần 10%..., cho thấy chúng ta vẫn đang sử dụng khá nhiều nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề đặt ra là việc cân đối giữa các nguồn được huy động ra sao trong những năm tới để đảm bảo sự công bằng trong điều tiết các nguồn điện và phát huy hiệu quả đối với các dự án năng lượng.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 có công suất lắp đặt 450 MW, nếu chạy tối đa công suất, mỗi năm đơn vị này sẽ đảm bảo cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 3 tỷ kWh điện thương phẩm. Tuy nhiên hiện nay sản lượng điện sản xuất của nhà máy chỉ đạt 1/4 công suất thiết kế. Bởi đây là sản lượng do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia giao nên đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp.
"So với công suất thiết kế của nhà máy thì tương đối là thấp, chỉ đạt tương đương là 25%. Do đó nhà máy mong muốn được huy động công suất tối đa để đảm bảo nhà máy vận hành ổn định và đảm bảo cuộc sống của người lao động", ông Vũ Thanh Tịnh, Quản đốc phân xưởng vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thực tế hiện nay, khi thị trường điện cạnh tranh chưa hoàn thiện, việc huy động nguồn vẫn chủ yếu ưu tiên các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, nhiệt điện… Chính điều này lại là rào cản trong việc thu hút đầu tư.
"Đó cũng là trở ngại trong đầu tư mới các dự án hiện nay cần phải thay đổi, cần phải có tư duy đột phá, tức là các chủ thể của các nhà máy điện được quyền đàm phán với các hộ tiêu thụ cuối cùng. EVN là một trong những người mua, chứ không phải tất cả chỉ có mỗi EVN là người mua điện", ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch hội Dầu khí Việt Nam, nhận định.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, dự báo sản lượng điện thương phẩm sẽ đạt khoảng 530 tỷ kWh. Nguồn cung điện chủ yếu là nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
"Để thu hút được nguồn vốn, chắc chắn có 2 điểm chúng ta cần lưu ý, thứ nhất là các cơ chế chính sách khuyến khích phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài, người tham gia phải có lợi nhuận, thứ hai là phải an toàn trong quá trình thực hiện đầu tư", PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cho hay.
Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước sẽ là trên 150.000 MW. Do vậy việc tạo cơ chế minh bạch, công bằng sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển các dự án năng lượng.
VTV