Đàn ông sẽ có cơ hội vừa được nghỉ ở nhà để chăm con nhỏ dưới 6 tháng tuổi vừa hưởng bảo hiểm?
Nhiều vấn đề liên quan đến bình đẳng giới đã được đặt lên bàn của những người làm luật.
- 11-10-2018Đây là quốc gia trả mức lương cho lao động có tay nghề cao gấp đôi toàn thế giới
- 10-10-2018Vì sao TKV tăng lương cho người lao động, cao nhất gần 30 triệu đồng/tháng
- 09-10-2018Chỉ tiêu lao động qua đào tạo: "Bộ không tự nghĩ ra được"
Nhà trẻ cho con cái người lao động
Dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi. Các vấn đề về giới đã được nhiều nhóm nghiên cứu đề xuất thêm vào luật.
Cụ thể như tổ chức Investing in Women đề nghị đưa vào Luật các điều khoản khuyến khích doanh nghiệp thiết lập nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động.
Trước ý kiến này, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng nó là vấn đề lớn, quan trọng trong bối cảnh đa số người lao động tại khu công nghiệp là dân nhập cư đang trong độ tuổi sinh đẻ.
Trách nhiệm chính trong câu chuyện này, là của Nhà nước, theo ông Đào Ngọc Dung. Nghĩa là Nhà nước phải đảm bảo các chính sách, hạ tầng cần thiết đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động, đặc biệt là ở các khu công nghiệp tập trung.
Mặt khác, các chính sách cần hướng đến sự khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng hạ tầng cũng như hỗ trợ cho người lao động đang có con nhỏ, bình đẳng cho cả nam và nữ, thay vì chỉ nữ giới như trước đây.
Bộ trưởng phân tích rằng việc làm trên, nếu được doanh nghiệp thực hiện, phần chi phí bỏ ra chính là phí cho đầu tư phát triển. Như vậy, nó sẽ đảm bảo lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp chứ không phải là gánh nặng giảm đi khả năng cạnh tranh.
Giám đốc bình đẳng giới của Investing in Women, bà Jane Hodges tỏ ra đồng tình. Bà nói dù đề xuất này không giải quyết được mọi vấn đề nhưng sẽ tạo ra sự cân bằng giữa công việc và gia đình cho người lao động. Kết quả tại nhiều nơi trên thế giới đã chứng minh điều này.
"Không công ty nào bị phá sản thành lập cơ sở chăm sóc trẻ em", bà nhấn mạnh và nhắc đến việc Nhà nước cũng phần nào hỗ trợ.
Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng được quyền ở nhà chăm con
Một giải pháp được đề cập để cải thiện bình đẳng giới là cho phép nam giới được nghỉ chăm sóc con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và được hưởng BHXH.
"Giải pháp này không chỉ hợp lý mà còn cần thiết trong thực tế", bà Jane Hodges nói. Theo bà, chính sách này không phải là hiếm trên thế giới mà Bắc Âu và một số nước ASEAN đã thông qua điều luật này.
Phó Chủ tịch Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự ủng hộ ý kiến này.
Ông Lợi cho biết Luật hiện hành đã cho phép lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con và được hưởng lương. Vì vậy, điều khoản đề xuất cũng là cách linh hoạt để người lao động lựa chọn vợ hoặc chồng nghỉ chăm con cho phù hợp.
Dù vậy, đề xuất vẫn cần được cân nhắc về nhiều mặt tác động để có thể được đưa vào dự thảo Luật, theo bà Bùi Thị Hoà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
"Quy định này có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của người dân, của nam giới trong việc chăm sóc, chia sẻ trách nhiệm với vợ", bà cho biết. Bên cạnh đó, bà Hoa cho rằng cần rà soát dự thảo Luật Lao động để thống nhất với Luật BHXH năm 2014 về chế độ nghỉ thai sản với lao động nam.