Đằng sau chuyện tắc 22 tỷ USD vốn ODA
Việt Nam vẫn còn khoảng 22 tỷ USD vốn ODA được các đối tác cam kết chưa thể giải ngân do nhiều vướng mắc.
- 03-12-20155 năm, Việt Nam giải ngân 1,889 tỷ USD vốn ODA
- 21-08-2015Năm 2015 thách thức giải ngân ODA 5,6 tỷ USD
- 20-08-2015Năm 2015: Vốn đối ứng không còn là trở ngại của việc giải ngân vốn ODA?
- 11-08-2015TP. Hồ Chí Minh: Giải ngân vốn ODA dự án trọng điểm tốc độ “sên bò”
Việc quản lý và sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả đang là vấn đề cấp bách, nhất là khi Việt Nam sẽ không được vay theo điều kiện ODA mà chủ yếu chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi, vay theo điều kiện thị trường từ tháng 7-2017.
Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), Việt Nam vẫn còn khoảng 22 tỷ USD vốn ODA được các đối tác cam kết chưa thể giải ngân do nhiều vướng mắc. Điều này dấy lên những lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính để làm rõ hơn việc quản lý và sử dụng vốn ODA.
Theo thống kê của Bộ Tài chính thì hiện Việt Nam còn khoảng 22 tỷ USD vốn ODA ký kết với các nhà tài trợ nhưng chưa thể giải ngân, gây lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án. Vì sao vậy?
Con số 22 tỷ USD thực chất là vốn cam kết, không phải là vốn thực tế nhà tài trợ ký với Chính phủ Việt Nam. Luôn luôn có sự chênh đáng kể giữa con số cam kết các nhà tài trợ và con số giải ngân thực tế.
Hằng năm, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vay, trả nợ hàng năm, ước tính trung bình các năm gần đây mỗi năm giải ngân được khoảng 5 tỷ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Hiện có nhiều vấn đề xảy ra, như là vấn đề về vốn đối ứng triển khai cũng là một trong số đó.
Nhưng vốn đối ứng chỉ là với các dự án đã và đang triển khai. Còn con số 22 tỷ USD là vốn cam kết, tức là chưa ký. Cái này phải trải qua quá trình đàm phán với nhà tài trợ rồi xem các dự án đầu tư lĩnh vực nào ở đâu, cam kết căn cứ vào điều kiện thực tế rồi mới ký kết các hiệp định vay nợ.
Một số nhà tài trợ cho rằng điểm mới trong dự thảo Thông tư quy định về quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là quy định về mức trần giải ngân, làm giảm hiệu quả giải ngân vốn. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Thực ra đây là vấn đề mang tính kỹ thuật về giải ngân thôi vì trần giải ngân thực hiện các biện pháp thông qua các hình thức khác nhau. Ở đây giải ngân qua hình thức tài khoản đặc biệt, hoặc thanh toán trực tiếp cho nhà thầu, hoặc thanh toán qua thư tín dụng.
Quy định đặt ra 3 tháng nhưng các nhà tài trợ muốn 6 tháng. Các nhà tài trợ thích trần giải ngân cao tạo sự linh hoạt cho dự án trong khi thực hiện. Nhưng thực tế khi ta giải ngân về mà dự án chưa thực hiện thì Chính phủ phải chịu chi phí, tiền về rồi ta phải ghi nợ và trả nợ trong khi chưa thực hiện, chưa giải ngân nên không hiệu quả.
Bởi vậy phải đảm bảo các dự án làm sao cho quy trình giải ngân sát thực tiễn tránh hiện tượng vốn về tài khoản thời gian dài, tạo gánh nặng trả nợ thuộc về Chính phủ. Do đó, chúng tôi mong các dự án đưa ra trần giải ngân sát thực tế.
Căn cứ thực tế đó chúng tôi sẽ giải ngân ngay, khi dự án cần vốn thì Bộ Tài chính ngay lập tức làm thủ tục để tiền về ngay, tránh lãng phí trong điều kiện sang năm Việt Nam có khả năng tốt nghiệp vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức của WB, chi phí tăng lên.
Các nhà tài trợ rất quan tâm tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn ODA. Phía Bộ Tài chính có những biện pháp gì để đẩy mạnh quản lý và sử dụng nguồn vốn này?
Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt với Bộ Kế hoạch Đầu tư trong khi chuẩn bị các bước triển khai giải ngân dự án làm sao nhanh nhất có thể. Chẳng hạn như sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 16 thì Bộ Tài chính đã giới thiệu Thông tư hướng dẫn triển khai.
Chúng tôi đã nghe ý kiến các đại diện đơn vị bộ ngành địa phương, chủ dự án để xem vướng mắc, các ý kiến này quan trọng để hoàn thiện Thông tư làm sao mục tiêu quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ chế tài chính thực sự là rõ ràng, đảm bảo khi dự án đc triển khai ngay từ khâu hình thành ý tưởng đã từng bước có cơ chế tài chính của dự án.
Cho tới khi dự án chính thức được phê duyệt thì lúc đó các bước triển khai thực hiện ngay lập tức tránh tình trạng vốn bị chậm. Đây là mục tiêu chúng tôi đang hướng tới.