Đằng sau một thế hệ lương càng tăng mà đời càng “nghèo”: Một tâm lý rất phổ biến khi trong ví “nhiều tiền”
Đã bao giờ bạn tự hỏi là dù đã tăng lương nhưng tại sao mình ngày càng nghèo đi?
- 24-12-2023Không phải chạy bộ, đây mới thực sự là bộ môn “quét sạch” mỡ thừa vô cùng hiệu quả: Dễ dàng tập luyện tại nhà
- 20-12-20231 loại quả béo ngậy nhưng hạ đường huyết hiệu quả, cứu tinh của người giảm cân: Rất sẵn ở chợ Việt
- 16-12-2023Nhờ 1 điểm 'vàng' trong CV, nam ứng viên được nhà tuyển dụng mời về làm Giám đốc, sẵn sàng chiêu mộ với mức lương khủng
Nguyên nhân gây “nghèo” ở người trẻ: Lạm phát lối sống và ảo tưởng dư dả
Quan niệm phổ biến của chúng ta là cuộc sống sẽ khác đi sau khi thu nhập tăng lên, tuy nhiên mọi thứ không đơn giản thế. Nhiều người cho hay dù tiền lương gia tăng, nhưng họ vẫn cảm thấy “nghèo” đi, hoặc thậm chí tiền tiết kiệm còn sụt giảm hơn trước.
Nghịch lý này có thể bắt nguồn từ tình trạng lạm phát lối sống (lifestyle creep) - một thuật ngữ chỉ khi thu nhập gia tăng khiến bạn có động lực chi tiêu mạnh tay hơn để nâng cao mức sống. Thế nhưng, thực tế nếu bạn chi tiêu nhiều hơn tốc độ gia tăng tiền lương thì tiết kiệm cũng không còn.
Điều này đến từ việc mọi người hợp lý hoá các khoản tiêu xài nâng cấp chất lượng sống, xem nó như một phần thưởng bản thân khi thu nhập tăng. Kết quả của lối sống này là bạn cảm thấy “sang chảnh" hơn trước tuy nhiên thực tế ví tiền ngày càng rỗng, thậm chí thụt lùi về tài chính.
Một trường hợp điển hình của lối sống lạm phát thường xảy ra là quá trình chuyển đổi từ sinh viên sang làm nhân viên toàn thời gian. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều người có thể “sống sót" tốt với mức thu nhập ít ỏi. Tuy nhiên khi vừa mới nhận được khoản lương đầu tiên, họ dễ vung tay quá trán, hoặc đánh giá những thứ được coi “xa xỉ" trước kia trở thành mặt hàng thiết yếu, dẫn đến chi tiêu tăng lên.
Ví dụ thời sinh viên, bạn chỉ uống cốc cafe 30.000 ngàn đồng. Khi trở thành nhân viên văn phòng, bạn chuyển sang uống cốc nước 50.000 đồng, rồi thoải mái mua những món đồ mới như điện thoại, tai nghe… Nhiều người sẽ nghĩ mình xứng đáng được tiêu xài, tận hưởng một chút sau nhiều cố gắng đã qua. Nhưng sau đó, bạn sẽ thấy mình “khó sống” nếu thiếu đi các món đồ vật chất ấy. Hậu quả là thay vì dùng tiền để đầu tư cho tương lai, đề phòng trước các biến cố bất ngờ cho cuộc sống, bạn sẽ lại đổ hết tiền vào thú vui nhất thời vì suy nghĩ “ai cũng chỉ sống một lần trên đời".
Vì vậy, với những người thấy mình đã rơi vào cái bẫy lạm phát lối sống, hãy cân nhắc thay đổi thói quen tài chính cá nhân. Thực hiện các bước sau đây có thể giúp bạn chuẩn bị tài chính cũng như tinh thần vững vàng cho những điều sắp xảy ra.
1. Lập ngân sách chi tiêu
Ngay cả khi bạn nhận thức mình có mức thu nhập cao hay thấp, việc lập ngân sách chi tiêu rất hữu ích. Thói quen này giúp bạn biết đồng tiền của mình đến và đi như thế nào. Có 2 nguyên tắc tài chính phổ biến được áp dụng hiện nay là quy tắc 6 chiếc lọ và quy tắc 50/20/30.
Với quy tắc 6 chiếc lọ, bạn chia thu nhập của mình thành 6 phần khác nhau bao gồm 1 phần cho chi tiêu thiết yếu, 1 phần cho tiết kiệm, 1 phần cho cho đầu tư, 1 phần cho cho trao quà tặng, 1 phần cho giáo dục và 1 phần cho việc hưởng thụ. Trong đó, chi tiêu thiết yếu chiếm khoảng 55%, 5% cho quỹ quà tặng và 4 phần còn lại, mỗi phần khoảng 10%.
Trong khi đó, với quy tắc 50/20/30, bạn dành 50% thu nhập cho chi tiêu thiết yếu, 30% cho chi tiêu linh hoạt bao gồm du lịch, giải trí, trong khi đó 20% còn lại cho mục tiêu tài chính gồm tiết kiệm và đầu tư… Cần nhớ rằng, dù bạn áp dụng theo nguyên tắc nào thì cũng phải tăng tính kỷ luật. Quản lý tài chính là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai.
2. Luôn chuẩn bị một khoản tiền dự phòng cho tương lai
Tiêu tiền thì dễ nhưng tích lũy thì không. Hãy nhớ rằng luôn có những trường hợp có thể đến đột ngột và chiếm hết sạch khoản tiết kiệm bấy lâu nay của bạn như kế hoạch sinh con, lập gia đình, tai nạn bất ngờ hay sức khoẻ đi xuống… Cũng vì thế, có một khoản tiền dự phòng tốt sẽ giúp bạn đạt được an toàn về tài chính, hay có sự linh hoạt hơn để lựa chọn công việc mơ ước. Các chuyên gia tài chính khuyên mọi người nên dành ít nhất 10% tiền lương mỗi tháng và có tối thiểu 6 tháng thu nhập để phòng thân trước rủi ro bất chắc.
3. Chi tiền cho những thứ đáng giá
Để tránh rơi vào lạm phát lối sống, bạn cần cân nhắc kỹ những khoản nào chi cho những thứ mình cần và mình muốn. Cần là những thứ nhất thiết phải có vào một thời điểm, nếu không sở hữu sẽ gây rắc rối cho cuộc sống. Muốn là những thứ bạn hứng lên muốn mua, nếu không có cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống cá nhân. Với những món đồ giá trị lớn, hãy dành ít nhất 24h chờ đợi để suy nghĩ xem liệu nó là thứ bạn cần hay bạn muốn, đồng thời đánh giá chúng có thực sự xứng đáng với số tiền cần bỏ ra hay không.
4. Thay đổi dần dần thói quen quản lý tài chính
Đừng chi tiêu quá đà ngay sau khi vừa được tăng lương. Thay vào đó, bạn hãy học cách tiết kiệm tiền và quản lý tài chính dần theo thời gian. Nhờ vậy mà gánh nặng chi tiêu của bạn cũng sẽ giảm xuống và giúp bạn luôn quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả.
Phụ nữ số