Đáng sợ nạn nhập chất thải trái phép!
Do nhập nhèm quản lý, quy định không rõ và sơ hở nên bị doanh nghiệp lợi dụng nhập trái phép chất thải, phế liệu. Đây là vấn đề nghiêm trọng của đất nước.
- 16-08-2016Chôn lén hàng trăm tấn chất thải nghi độc hại trong khuôn viên... công ty môi trường
- 20-07-2016Lòng vòng đường đi của chất thải Formosa
- 19-07-2016Kiểm tra nóng hàng tấn chất thải của Formosa chôn ở trang trại
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13-9, cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: “Liệu luật ra đời có ngăn được nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới?”. Chỉ 2 ngày sau đó, 15-9, xảy ra vụ Formosa nhập 160 tấn bùn nhôm carbon và bùn bauxite. Không ai biết sau khi sử dụng số bùn nguyên liệu này, Formosa sẽ xử lý thế nào...
“Ông nói gà, bà nói vịt”
Trong vụ việc trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng khẳng định bùn bauxite do Formosa nhập về là hàng hóa miễn thuế, nằm trong danh mục được phép nhập khẩu của Bộ Công Thương nhưng bộ này nói không hề cho phép nhập.
Đáng nói là chỉ 1 ngày sau khi Bộ Công Thương lên tiếng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vũng Áng có ý kiến ngược lại so với quan điểm ban đầu. Theo đó, chi cục này cho rằng lô hàng 160 tấn bùn nhôm carbon và bùn bauxite được Formosa nhập từ Trung Quốc về cảng Sơn Dương (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) không thuộc danh mục hàng cấm, không thuộc mặt hàng quản lý chuyên ngành và không phải kiểm tra nhà nước về mặt chất lượng. Tức là có thể hiểu lô hàng nhập khẩu này không thuộc quản lý chuyên ngành của các đơn vị nên không phải xin phép bất kỳ bộ - ngành nào.
Chính các phát ngôn bất nhất như trên đã dấy lên nghi ngại của dư luận về việc có những kẽ hở trong luật pháp để doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu trái phép các loại chất phế thải về Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho biết nhiều nước coi bùn bauxite là chất phế thải độc hại và không cho nhập khẩu. Do đó, việc loại phế thải này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu là điều khó hiểu và cần đặt câu hỏi đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành. “Đặc biệt, trong quá trình thông tin xung quanh vụ việc, trước tiên, các cơ quan quản lý nói là bùn bauxite được cấp phép nhập khẩu, sau thì nói đấy là nhập bột bauxite và không phải xin phép. Cần làm rõ là bùn hay bột và việc quản lý như thế nào? Đây là chuyến nhập đầu tiên, nếu đầu xuôi đuôi lọt thì Formosa có nhập nữa hay không là điều rất đáng lo ngại” - TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Ông Doanh cũng cho rằng cơ quan giám sát các vấn đề về môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có báo cáo về sử dụng loại bùn bauxite ra sao, sử dụng ở đâu, xử lý sau sử dụng thế nào. Bởi lẽ, đã có nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến việc Formosa phân tán chất phế thải ở nhiều nơi hoặc không kiểm soát được việc xả thải của doanh nghiệp này.
Cũng cần làm rõ giữa việc nhập phế liệu và chất thải bởi nếu không có quy định cụ thể thì Việt Nam có thể sẽ trở thành bãi chứa rác của thế giới. Không chỉ riêng các loại bùn thải, nếu quy định không cụ thể thì việc dễ dãi trong nhập khẩu chất thải dưới dạng phế liệu như pin, ắc-quy, bản mạch cũ với nhiều chất độc hại sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe con người.
Hàng tồn đầy cảng
Việc nhập khẩu các loại hàng hóa trái phép không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà trước mắt, việc xử lý lưu kho, tiêu hủy cũng là bài toán nan giải.
Theo báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, những năm gần đây, tại cảng Hải Phòng, lượng hàng hóa tồn đọng do quá thời hạn làm thủ tục hải quan tăng nhanh. Hiện nay, khu vực cảng Hải Phòng có số lượng hàng tồn đọng lớn nhất nước. Trong số hơn 3.000 container hàng tồn đọng, quá hạn làm thủ tục hải quan hơn 90 ngày có khoảng 2.000 container là cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng. Số hàng phế thải này được nhập về ở các cảng như Nam Hải, Đình Vũ, Tân Vũ, Hải An, PTSC, Green Port. Trong 4 chi cục hải quan cửa khẩu tại Hải Phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực II và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III là 2 đơn vị có số lượng container phế thải tồn đọng nhiều nhất.
Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho biết phần lớn số hàng tồn đọng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là phế liệu, giá trị thấp, thời gian tồn lưu quá lâu khiến chi phí lưu kho bãi lớn hơn nhiều giá trị lô hàng.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nhận xét trong hoạt động tạm nhập - tái xuất, đối tượng xuất và nhận đều là người nước ngoài. “Nếu phát hiện hàng gian đã nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng công an thì lập tức người đứng tên nhận hàng trên vận đơn sẽ từ chối nhận với lý do không mua hoặc không đúng chủng loại cam kết... Trong khi đó, đối tượng xuất sẽ thông báo họ bị trục trặc kỹ thuật và đề nghị trả hàng về xuất xứ. Vì vậy, lực lượng chức năng rất khó xử lý” - ông Ca nêu thực tế.
Cục Hải quan Hải Phòng cho hay theo quy định, việc xử lý hàng hóa tồn đọng phải qua nhiều thủ tục, rất mất thời gian mà một trong những nguyên nhân chính là do còn vướng về quy định pháp luật, liên quan đến xác lập quyền sở hữu nhà nước, chỉ định doanh nghiệp mua không qua đấu thầu...
Không thuộc danh mục phế liệu nhập khẩu
Một lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quản lý nhập khẩu và sử dụng các loại phế liệu nằm trong danh mục được nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất khác, trong đó không có bùn bauxite. “Tôi khẳng định bùn bauxite là phế liệu không được phép nhập khẩu trong danh mục phế liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, có thể mặt hàng này thuộc danh mục hàng hóa thương mại nhập khẩu do bộ - ngành khác quản lý nên cần làm rõ thêm” - vị này nói.
PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội):
Tai hại vô cùng!
Tôi cực kỳ ngạc nhiên trước thông tin Bộ Công Thương nói rằng không cấp phép cho Formosa Hà Tĩnh nhập khẩu hơn 160 tấn bùn nhôm carbon và bùn bauxite. Hàng hóa nhập về bao giờ cũng phải có thủ tục giấy tờ đầy đủ cả. Lô hàng này cũng phải thế thì mới được thông quan. Phải có một bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm về việc này. Các cơ quan cần phải vào cuộc để làm rõ, còn cứ để chuyện này xảy ra thì cuối cùng Việt Nam thành nơi để nhập chất thải độc hại. Như thế là quá nguy hiểm!
Phải khẳng định rằng chúng ta cho nhập phế thải nhưng nhập những thứ thuộc danh mục cho phép về để tái chế phục vụ sản xuất chứ không có nghĩa là nhập phế thải độc hại về để làm những việc không rõ mục đích. Đừng tạo kẽ hở trong chính sách, quy định pháp luật để doanh nghiệp lợi dụng đưa các mặt hàng thuộc loại cấm của Việt Nam về nước. Phế thải, phế liệu theo đúng khái niệm cho phép của nó thì nước nào cũng nhập nhưng lựa chọn như thế nào, tiêu chuẩn ra sao… thì cơ quan quản lý nhà nước phải làm thật khách quan, nghiêm minh. Nếu làm ngơ để doanh nghiệp nhập về là tai hại vô cùng.
Trở lại việc Formosa Hà Tĩnh nhập bùn thải nếu không được cho phép là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm. Cần thiết phải cảnh báo mạnh mẽ để có sự cảnh giác cao độ với tất cả các dự án, các nhà máy sau này.
P.Nhung ghi
Người Lao động