Đánh thuế nhà và tài sản: Thời điểm này có phù hợp?
Theo chuyên gia, việc đánh thuế bất động sản với mục tiêu tạo nguồn thu ổn định và lâu dài, thay cho thu chủ yếu từ giao đất, cho thuê đất hiện nay là điều cần thiết. Tuy nhiên, đây là sắc thuế rất phức tạp, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
- 14-03-2022Bộ Tài chính: 'Chưa xây dựng dự thảo luật đối với tài sản là nhà, đất'
- 14-03-2022Chuyên gia VinaCapital dự báo giá xăng Việt Nam có thể tăng thêm 30% trong vài tháng tới
- 14-03-20222 tháng đầu năm, gần 190 doanh nghiệp quy mô trên 100 tỷ đồng tạm ngừng kinh doanh
Như BizLIVE đã đưa tin, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về nội dung sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước ngày 15/4.
Cụ thể, trong đề cương tổng kết các chính sách thu với bất động sản để làm cơ sở sửa Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản.
Nội dung đánh giá cụ thể trong từng nhóm vấn đề, nêu rõ quy định hiện hành của từng chính sách, đánh giá tình hình thực hiện, vướng mắc phát sinh và nguyên nhân (nếu có).
Đồng thời, đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng như bổ sung nội dung mới cần quy định tại luật, gồm nội dung đề xuất có gộp hai luật hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có)…
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với BizLIVE, Gs.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 2010. Từ đó đến nay, Việt Nam vẫn thu thuế bất động sản bằng luật này. Đồng thời, giao cho thôn, xóm ở nông thôn và tổ dân phố ở đô thị thu trực tiếp. Cách thu thủ công và kết quả chẳng đáng bao nhiêu.
Do đó, bây giờ, Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản thì cần khẳng định rằng đây là thời điểm rất thích hợp để đề xuất thuế bất động sản, trong bối cảnh tổng thu thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam còn quá thấp.
Để dẫn chứng, Gs.Đặng Hùng Võ cho biết, hiện tổng thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chưa đánh thuế nhà ở ta chỉ bằng 0,034% GDP; trong khi đó Indonesia đạt 0,42%, Thái Lan đạt 0,25% và Philippines đạt 0,84% (nhóm nước trung bình thuộc khối ASEAN). Nhìn rộng ra thế giới, thuế bất động sản của nhóm các nước G7 đều đạt 1- 4% GDP.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, hiện nay tổng thu từ đất ở ta là tốt nhưng chủ yếu từ tiền sử dụng đất - khi Nhà nước giao đất ở và tiền thuê đất - khi Nhà nước cho thuê đất sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong tổng thu từ đất có 85% thu từ giao đất, cho thuê đất.
Tuy nhiên, nói là giao đất, cho thuê đất nhưng thực chất là thu hồi đất nông nghiệp để giao, cho thuê đất phi nông nghiệp; có thể hình dung là một quyết định hành chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, có thể kiếm ra rất nhiều tiền mà không liên quan tới bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào.
Cách thu như vậy là không bền vững, nhất là khi chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thành công nghiệp hóa và đô thị hóa. Việc tập trung vào thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tạo ra tình trạng đầu cơ đất đai, bong bóng, giá ảo và lạm phát. Mặt khác, đây cũng là nguyên nhân của các bất ổn định xã hội, có liên quan đến cơ chế Nhà nước thu hồi đất mà không lo được sinh kế mới cho nông dân.
Vì vậy, việc đánh thuế bất động sản với mục tiêu tạo nguồn thu ổn định và lâu dài, thay cho thu chủ yếu từ giao đất, cho thuê đất hiện nay là điều cần thiết. Tuy nhiên, đây là sắc thuế rất phức tạp, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu luật đưa ra không hợp lý sẽ không đạt các mục tiêu trên, không giải quyết được vấn đề của thị trường, thậm chí không ngăn được đầu cơ đất đai.
Ngoài ra, một điều đáng suy ngẫm khác hiện nay liên quan tới hệ thống hành chính thuế là việc chuyển từ hệ thống thu thủ công sang hệ thống thu đúng, thu đủ, thu hợp lý trong kỷ nguyên 4.0 là cả vấn đề lớn. Hệ thống quản lý bất động sản phải được công khai, minh bạch, phát hiện được tất cả những trường hợp đứng tên hộ các tài sản.
Đây không chỉ là vấn đề lớn trong việc thu thuế bất động sản mà còn để phát hiện những trường hợp người Việt Nam đứng tên hộ người nước ngoài, liên quan đến an ninh quốc gia, đã là tiêu điểm của nhiều cuộc thảo luận trên công luận trước đây. Do đó, Bộ luật Dân sự cũng phải sửa đổi để tiếp nhận cơ chế giải trình về nguồn gốc tài sản và các chế tài kèm theo.
“Cải cách thuế bất động sản là thực sự cần thiết, nhưng cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng theo hướng toàn diện để có hiệu quả cao, tránh dục tốc bất đạt”, Gs.Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
BizLive