MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất đai: 'Bài toán khó' để nông nghiệp giữ chân DN

Một trong những lý do kinh tế nông nghiệp đang cạn dần lực hút đầu tư từ doanh nghiệp (DN) là do đất đai manh mún. DN không thể phát triển nông nghiệp nếu thiếu vùng nguyên liệu, các nhà quản lý cũng khó triển khai chính sách nếu không có những DN mang tính “đầu tàu”...

Câu chuyện của ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình được chia sẻ ở nhiều hội nghị về các chính sách thu hút đầu tư ngành nông nghiệp là việc đất đai manh mún đang cản trở sự phát triển của DN có 100% vốn nội này.

Công ty của ông Báo có 15 chi nhánh và có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn tấn giống cây trồng các loại. Đây là đơn vị có cơ sở vật chất cho nghiên cứu, chọn tạo khảo nghiệm, sản xuất, chế biến hạt giống hiện đại nhất Việt Nam, trong đó có 2 nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất đạt 30.000 tấn/năm, 1 nhà máy chế biến gạo, phòng thử nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm quy mô 50 ha ...

Theo ông Báo, Công ty có chủ trương xây dựng một nhà máy chế biến trên diện tích 1,2 ha ngay tại Thái Bình. Tuy nhiên, để có được diện tích này thì theo đúng thủ tục pháp luật, Công ty của ông phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới lấy được đủ diện tích đất. Ông nói: “Có những diện tích nhỏ nhưng chủ sở hữu giờ chuyển vào tận Vũng Tàu rồi nên tôi lại phải bay vào tận nơi để đàm phán”.

Không chỉ Công ty của ông Báo mà nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp đều “kêu” khó nhất là điều kiện đất đai để tạo vùng nguyên liệu khi đầu tư sản xuất, chế biến. Cũng chính vì vậy mà DN, đặc biệt là các DN lớn đang dần kém mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp.

Phải có câu trả lời bằng chính sách

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo ban hành cơ chế để thu hút đầu tư của DN vào nông nghiệp như Nghị định 210 của Thủ tướng chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu từ vào nông nghiệp và nông thôn; Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn... Nhưng thực tế, thống kê của Viện Chính sách NN&PTNT cho thấy tỉ trọng đầu tư vào nông nghiệp của dòng vốn FDI chỉ chiếm chưa đầy 1%.

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã đưa băn khoăn này đến trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, người đang chịu trách nhiệm mảng cổ phần hóa DN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: “Hiện chúng tôi đang tập trung vào 3 giải pháp chính: Rà soát lại các chính sách ưu đãi hiện nay và đánh giá lại lý do tại sao các chính sách chưa vào được thực tiễn; Kiến nghị các chính sách về đất đai mạnh mẽ hơn, cùng với đó là chính sách thuế và thời gian ưu đãi; Cổ phần hóa mạnh mẽ các tổng công ty thuộc sự quản lý của Bộ”.

Lý giải kỹ hơn kiến nghị các chính sách về đất đai, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích: “Hiện các DN muốn đầu tư vào nông nghiệp cần có đất nhưng Nhà nước phải cân bằng việc có đất cho DN sản xuất và bảo đảm cho người nông dân có đất. Tuy nhiên, chúng ta không thể dùng các biện pháp hành chính để có đất cho DN được mà phải thông qua việc sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh để dành quỹ đất nhất định cho các cơ sở. Ở đây, sẽ tập trung chủ yếu cho các cơ sở chế biến và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao”.

Để có được diện tích đất tập trung cho DN, Bộ NN&PTNT đang tiến hành cổ phần hóa mạnh mẽ các công ty, tổng công ty nông, lâm nghiệp. “Chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu ha diện tích từ việc cổ phần hóa các đơn vị này. Hiện nhiều DN thuộc quản lý của Bộ đang tiếp tục thoái vốn, nhiều đơn vị đã hoàn thành việc này 100% như Tổng Công ty Rau quả Việt Nam, Tổng Công ty Chè Việt Nam, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp... Chúng tôi quyết tâm trong năm 2017, tất cả các DN 100% vốn Nhà nước mà Bộ đại diện chủ sở hữu đều cổ phần hóa”.

Nhìn vào thực tế trong báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội trình Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 5 tháng đầu năm, chúng ta nhận thấy chưa nói đến giá trị xuất khẩu giảm sút mạnh của ngành nông nghiệp mà ngay giá cả thực phẩm trong nước cũng có chiều hướng gia tăng vì thiên tai đang thu hẹp nguồn cung thực phẩm tại nội địa. Việc “giữ chân” được DN trong ngành nông nghiệp hơn lúc nào hết cần đến sức mạnh của chính sách một cách thiết thực nhất.

Khi DN thực sự làm chủ tư liệu sản xuất là đất đai thì niềm tin đầu tư sẽ được cải thiện. Chỉ khi DN thực sự “an cư” để phát triển lớn mạnh, những chính sách chung để cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp mới có được "mảnh đất lớn để thẩm thấu" và có hiệu quả.

Theo Đỗ Hương

Chinhphu.vn

Trở lên trên