Đặt nồi trên bếp từ, cô gái tá hỏa khi thiết bị "tự động bật" rồi gây ra tình cảnh trớ trêu
Để dẫn đến sự cố như trong video được chia sẻ, cô gái này đã vô tình mắc phải 2 sai lầm khi sử dụng bếp từ.
- 19-08-2023Sử dụng bếp từ có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
- 07-05-2022Những sai lầm khi chọn nồi cho bếp từ: Bảo sao nấu vừa lâu, thức ăn lại chín không đều
- 10-09-2021Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ?
Mới đây, người dùng có tài khoản tên Quỳnh Dịu Dàng đã chia sẻ tình huống trớ trêu với chiếc nồi nhà mình lên mạng xã hội và thu hút nhiều sự chú ý. Cụ thể, 2 đoạn video được cô chia sẻ thu về hơn 10 triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận chỉ sau 3 ngày đăng tải.
Trong video, người dùng cho biết chiếc nồi đang cháy đen cô cầm trên tay là kết quả của việc đun, nấu đường trên bếp từ mà không để ý. "Mình đun nồi đường để kho cá dần mà nó cháy thành thế này. Lúc đầu đun tốt lắm mà mình để quên trên bếp từ, đến đêm không hiểu thế nào mà bếp tự bật, nồi thì đặt trên bếp. Nhà mình đặt bếp với nồi ngoài hành lang, tối đi ngủ đóng kín cửa nên cũng hề ngửi thấy mùi khét để dậy tắt. Cũng may bếp nhà mình có chế độ tự ngắt điện khi nóng quá, chứ không chắc đã xảy ra sự cố nghiêm trọng hơn rồi", chính chủ nói thêm.
Theo những gì người dùng chia sẻ như trên, có thể thấy cô đã mắc phải 2 sai lầm khi sử dụng bếp từ để nấu ăn, đó là chủ quan không để ý quá trình bếp hoạt động, và khi không còn nhu cầu sử dụng nữa, cô vẫn để nồi trên bếp và không ngắt hoàn toàn điện ra khỏi thiết bị. May mắn thay, loại bếp từ được gia đình sử dụng là loại cho chế độ tự ngắt điện khi nhiệt độ đạt mức quá cao, vì vậy đã không có sự cố nghiêm trọng khác như chập cháy nguy hiểm xảy ra.
Tắt bếp từ bằng nút bấm thôi là chưa đủ
Bên cạnh bếp gas, hiện nay nhiều gia đình bắt đầu chuyển dần sang các loại bếp điện hay bếp từ, hoạt động bằng dòng điện, để phục vụ cho công việc nấu nướng của nhà mình. Khi dùng bếp điện hay bếp từ, người dùng chỉ cần thao tác đơn giản bằng cách ấn vào các nút cảm ứng trên mặt hoặc cạnh bếp, mặt bếp sẽ được làm nóng, từ đó cung cấp nhiệt lượng để làm chín thực phẩm.
Nhiều người dùng quan niệm, bếp từ, bếp điện an toàn và có độ thẩm mỹ tốt hơn bếp gas. Tuy nhiên trên thực tế lại không hẳn như vậy. Một báo cáo của Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Hoa Kỳ (NFPA) lại cho thấy kết quả ngược lại.
Cụ thể, báo cáo của NFPA vào năm 2020 viết rằng, các hộ gia đình đang sử dụng bếp điện, bếp từ có tỷ lệ cháy cao hơn gấp 2,6 lần so với những hộ gia đình sử dụng bếp gas. Điều đáng ngạc nhiên không kém đó là tỷ lệ tử vong khi xảy ra tai nạn ở những hộ gia đình sử dụng bếp điện, bếp từ cao hơn 3,4 lần so với những hộ gia đình sử dụng bếp gas - và tỷ lệ thương tích cao hơn gần gấp 5 lần.
Những sự cố xảy ra với bếp từ, bếp điện, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có một nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen chủ quan của người dùng - không ngắt điện hoàn toàn khỏi thiết bị khi không có nhu cầu sử dụng, chỉ tắt bằng các nút bấm. Độ nhạy của các loại bếp từ, bếp điện khá cao, vì vậy chỉ cần một cú chạm vô tình từ con người, các vật dụng hay thú cưng trong nhà đã có thể khiến bếp khởi động, ngay khi không có ai ở đó quan sát.
Theo các chuyên gia về đồ gia dụng hay các thiết bị điện tử, nếu trong thời gian dài, ví dụ như để qua đêm hoặc qua vài ngày gia đình không có ai, tốt hơn hết nên ngắt hoàn toàn nguồn điện khỏi bếp từ, nhằm phòng tránh tai nạn bất ngờ xảy ra. Phương pháp này có thể thực hiện bằng cách lắp đặt thêm aptomat cho bếp từ. Đây cũng hướng giải quyết được nhiều nhân viên kỹ thuật khuyên người dùng nên làm khi mới trang bị bếp từ.
Bên cạnh việc ngắt điện khỏi bếp điện, bếp từ khi không có sử dụng, trong suốt quá trình hoạt động của thiết bị, người dùng cũng không nên lơ là, chủ quan, mà cần có mặt và giám sát liên tục. Điều này đã được chuyên trang Tasting Table nhấn mạnh, là một trong những sai lầm phổ biến của nhiều gia đình có thể dẫn tới sự cố hoặc tai nạn khi sử dụng bếp từ, bếp điện nói riêng hay tất cả các loại bếp nấu nói chung.
Nếu người dùng bắt buộc phải rời đi khi đang nấu ăn, hãy tắt bếp, hoặc giảm xuống một mức nhiệt nhất định rồi sử dụng tính năng khóa, khóa trẻ em để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.
Một số lưu ý an toàn khác khi sử dụng bếp điện, bếp từ
Dưới đây là một số lưu ý khác dành cho người dùng khi sử dụng bếp điện, bếp từ được an toàn
1. Sử dụng bếp ở nhiệt độ phù hợp
Đừng dùng bếp từ hay bếp điện ở nhiệt độ cao nhất liên tục trong thời gian dài bởi việc này có thể làm tăng mức độ điện mà thiết bị tiêu thụ, đồng thời khiến bếp bị ăn mòn nhanh hơn. Người dùng chỉ nên sử dụng bếp ở nhiệt độ tối đa trong khoảng vài phút đầu chu trình nấu nướng, sau đó chuyển về chế độ trung bình hoặc thấp.
2. Lựa chọn nồi phù hợp
Người dùng nên trang bị riêng một bộ nồi chuyên biệt để dùng cho bếp điện, bếp từ, giúp việc nấu ăn vừa hiệu quả lại không gây lãng phí điện năng.
Cụ thể, nồi dùng cho bếp từ nên được làm bằng inox, gang, sắt hoặc thép không gỉ. Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn các loại có đáy bằng phẳng. Việc đáy nồi không bằng phẳng khi được trang trí trí quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng phần nào tới khả năng hấp thụ và truyền nhiệt từ bếp đến nồi, xoong. Từ đó, thức ăn trong nồi sẽ xảy ra tình trạng chín không đều, gây bất tiện trong quá trình sử dụng.
Khi chọn mua nồi cho bếp từ, bếp điện, cũng nên cân đối dựa trên kích thước của bếp, không nên mua nồi quá to hay quá nhỏ so với bếp.
3. Thường xuyên vệ sinh bếp
Bếp từ sau thời gian dài sử dụng sẽ xuất hiện những vết dầu mỡ hoặc vụn thức ăn thừa, cháy khét, bám chặt trên bề mặt kính. Vấn đề này không chỉ khiến bếp mất thẩm mỹ mà còn làm giảm khả năng gia nhiệt, gây hao tốn điện năng sử dụng của thiết bị. Lâu dần, nó có thể gây mất chênh lệch nhiệt độ, nghiêm trọng hơn là nứt vỡ mặt kính bếp.
Chính vì vậy, tốt hơn hết hàng ngày mỗi khi sử dụng xong, người dùng hãy đợi khoảng 15 - 20 phút cho bếp nguội, rồi dùng khăn vải mềm cùng chất tẩy rửa chuyên dụng để vệ sinh bếp. Việc này vừa giúp bếp được bền hơn, sử dụng tốt hơn và tiết kiệm thời gian, công sức hơn so với những lần tổng vệ sinh cuối tuần.
Đời sống & pháp luật