Đất Sóc Sơn được rao bán rầm rộ sau thông tin quy hoạch lên thành phố
Tờ rơi, biển quảng cáo mua, bán, ký gửi đất Sóc Sơn xuất hiện la liệt hai bên đường, thậm chí đất rừng cũng được rao bán rầm rộ sau thông tin Hà Nội dự kiến quy hoạch huyện này lên thành phố. Nhiều chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng không bị cuốn vào cơn "sốt đất" ăn theo thông tin quy hoạch.
- 09-10-2021Điều kiện để Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố?
- 08-10-2021Quy hoạch Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh lên thành phố, nhà đầu tư có nên đổ tiền gom đất chờ nóng sốt để hưởng lãi lớn?
- 06-10-2021Muốn lên thành phố trực thuộc Hà Nội, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn cần đáp ứng tiêu chí gì?
Rầm rộ rao bán đất
Khảo sát thực tế cho thấy vài ngày gần đây, tờ rơi, biển quảng cáo mua, bán, ký gửi đất thổ cư, đất vườn, đất trang trại, đất phân lô, tái định cư,… xuất hiện la liệt dọc hai bên đường trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tập trung nhất là khu vực 3 xã Hiền Ninh, Minh Phú và Minh Trí.
Tại Hiền Ninh, chỉ tính riêng đoạn gần Việt Phủ Thành Chương đã có hàng chục tờ rơi, biển rao bán đất dọc đường, trung bình chưa đầy 100m sẽ có 1 tờ rơi rao bán đất. Người dân cho biết đất khu vực này đang dao động ở mức 4 – 6 triệu đồng/m2.
Biển rao bán đất xuất hiện tràn lan hai bên đường khu vực các xã Hiền Ninh, Minh Phú, Minh Trí. |
Thậm chí đất lâm nghiệp, đất rừng... cũng được cò đất rao bán rầm rộ. Nhiều môi giới bật mí, đất rừng có sổ lâm bạ ở thôn Lâm Trường được một số hộ chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất vườn quả, trong đó có một phần diện tích được xây công trình trông coi đang được rao bán cho những người có nhu cầu xây homestay, biệt thự nghỉ dưỡng với giá 130 – 140 triệu đồng/1 sào (360m2).
Cũng theo ghi nhận, trong cuối tuần qua, các đoàn xe của nhà đầu tư nườm nượp kéo về khu vực thôn Lâm Trường để xem đất. Nhất là đất gần khu du lịch Thiên Phú Lâm, đất lâm trường giáp khu biệt thự từng bị kết luận vi phạm trước đây.
Mặc dù mưa gió nhưng các đoàn xe đi xem đất ở khu vực thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) vẫn nườm nượp. |
Đối với đất các khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ (xã Minh Phú) giá dao động trong khoảng 2,5 – 5,5 triệu đồng/m2. Riêng khu vực hồ Đồng Đò thuộc địa phận thôn Minh Tân, xã Minh Trí đất có giá từ 3,5 – 9 triệu đồng/m2; cá biệt có 900m2 đất bán đảo hồ Đồng Đò đang được rao bán ở mức 12 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, hàng loạt bài viết rao bán đất ở Sóc Sơn cũng liên tục xuất hiện trên các website, hội, nhóm mạng xã hội với tần suất ngày một dày đặc.
Thông tin rao bán đất vườn khu vực Sóc Sơn liên tục xuất hiện trên các website, hội, nhóm mạng xã hội. |
Nhiều người cho biết giá đất các khu vực trên đang có chiều hướng tăng hơn so với giai đoạn trước. Trong khi một số môi giới khẳng định đất ở đây luôn luôn được quan tâm, thậm chí sau mỗi đợt dịch COVID -19 nhu cầu tìm mua đất để làm nơi nghỉ dưỡng tăng lên.
Cẩn trọng trước cơn "sốt đất" ăn theo thông tin quy hoạch
Mặc dù rao bán đất ồ ạt là như vậy nhưng đa phần người dân và môi giới ở Sóc Sơn cho biết các giao dịch thực tế thì không nhiều. Bởi đất trên địa bàn này đang thuộc diện thực hiện kết luận thanh tra, khắc phục hậu quả do xâm phạm đất rừng, nếu không tìm hiểu kỹ thì nhà đầu tư dễ bị mua nhầm đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc gặp rắc rối liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất mà hậu quả chính là bài học “nhãn tiền” khi nhiều công trình bị cưỡng chế, phá dỡ để trả lại nguyên trạng ban đầu.
“Đất ở các vị trí như mặt hồ, mặt đường, sát khu du lịch; đất trang trại; đất lâm nghiệp; thổ cư ở Sóc Sơn đều luôn sẵn hàng. Trong đó, khách thường thích đất ở các khu vực lâm trường, gần rừng thông nhưng nếu môi giới có tâm sẽ không tư vấn khách chọn những khu vực này vì nó không an toàn, đang thuộc diện thực hiện kết luận thanh tra, khó chuyển mục đích sử dụng thành đất thổ cư để xây dựng nhà ở, công trình”, một môi giới cho biết.
Người dân và các văn phòng môi giới BĐS cho biết mặc dù nhu cầu về đất nhiều nhưng giao dịch mua bán thực tế thì ngược lại. |
Trao đổi với Tiền Phong về việc TP.Hà Nội dự định đưa 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh lên thành phố, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng cho rằng đây mới chỉ là ý tưởng, chủ trương cho nên trong quá trình thực hiện chính quyền Hà Nội cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ cũng như phải có lộ trình nếu không sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” đối với các khu vực dự kiến lên thành phố này.
“Đất mua gom là đất nông nghiệp nhưng khi chuyển sang đất đô thị giá tăng vài chục lần sẽ dễ gây sự hỗn loạn như cơn "sốt đất" hồi đầu năm khi có ý tưởng quy hoạch phân khu sông Hồng vì lúc đó người ta bán cả đất bãi, đất thoát lũ...”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Do đó KTS Phạm Thanh Tùng khuyến nghị người dân phải bình tĩnh trước những thông tin quy hoạch đi trước. Bởi nếu đầu tư ăn theo thông tin quy hoạch sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” và cuối cùng người dân chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng những địa phương không phải từ quận lên thành phố, mà đi thẳng từ huyện lên thì hầu hết cơ sở hạ tầng chưa đạt chuẩn đô thị. Và để xây dựng theo đúng kế hoạch của thành phố sẽ phải trải qua quá trình rất dài.
Trước làn sóng mới từ BĐS đang manh nha tại các địa phương như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn ông Châu khuyến nghị nhà đầu tư phải hết sức tỉnh táo và cần khảo sát kỹ lưỡng về hạ tầng. Bởi muốn đón đầu phải nắm rõ về quy hoạch và định hướng tại khu vực muốn đầu tư, không thể “đưa chân, nhắm mắt đi liều”.
Tiền phong