Đất Thanh Hoá lại tăng giá
Mảnh đất 100m2 tại huyện Quảng Xương mua vào giá 1.3 tỉ đồng, sau 2 tháng bán ra 1.8 tỉ đồng. Trong khi mức giá 1.3 tỉ gần như “đứng giá” từ thời điểm tháng 6/2021 đến nay.
Sau thời gian giá đứng im, hoặc có xu hướng đi xuống ở một số khu vực, đầu năm 2022, giá đất Thanh Hoá lại chộn rộn tăng. Những mảnh đất ở khu vực nông thôn giáp đường lớn có sự biến động giá từ 100-300 triệu đồng/nền so với thời điểm trước Tết.
Tìm hiểu được biết, tại khu vực Quảng Lĩnh, Quảng Trung, Quảng Hải (huyện Quảng Xương, Thanh Hoá), giá đất có dấu hiệu biến động tăng trong đầu năm 2022. Không chỉ đất gần biển mà đất ven đường nông thôn cũng lên giá một nhịp so với thời điểm tháng 5-6/2021. Các giao dịch bắt đầu xuất hiện trở lại sau thời gian im ắng. Trong đó, những mảnh đất có giá từ 600-1 tỉ đồng/nền giao dịch quay trở lại ở các nhà đầu tư lẻ ở địa phương.
Mới đây, anh C, mua mảnh đất 100m2 tại huyện Quảng Xương vào thời điểm tháng 1/2022 với giá 1.3 tỉ đồng/nền 100m2, có mặt tiền đường lớn, đến đầu tháng 3/2022 anh bán ra 1.8 tỉ đồng cho một nhà đầu tư khác. Trong khi mức giá 1.3 tỉ gần như "đứng giá" từ thời điểm tháng 6/2021 đến nay. Do có tiền nhàn rỗi nên anh C mua và bán chênh, hiện NĐT này tiếp tục tìm đất để tái đầu tư. Đây cũng là thời điểm đất rục rịch sau 1 năm Thanh Hoá lên cơn sốt đất nền, và hạ nhiệt vào khoảng tháng 5-6/2021.
Hồi trung tuần tháng 5/2021, ngay sau khi cơn sốt đất hạ nhiệt, đất Thanh Hóa vẫn chưa có hiện tượng giảm giá mà đi ngang. Trong đó, hoạt động mua bán dừng lại do nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, sau đó một tháng, nhiều nền đất tại tỉnh này đã giảm giá mạnh, xuất hiện nhà đầu tư bán cắt lỗ để trả nợ ngân hàng.
Trong đỉnh sốt đất đầu năm 2021, Thanh Hóa là địa phương ghi nhận tình trạng tăng giá chóng mặt, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận Tp.Thanh Hóa, Tp.Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn. Trong tháng 3/2021, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh này đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020.
Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua. Giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12- 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.
Sau cơn sốt, tại khu vực Nam Sầm Sơn giá đất đã giảm 20-30%. Một nền đất trong đỉnh sốt có giá 1,1 tỉ đồng xuống giá khoảng 800 triệu đồng. Các khu vực Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân cũng ghi nhận tình trạng giá lao dốc.
Tìm hiểu cho thấy, các nền đất trong thôn, xã vốn vốn tăng dựng đứng 2-3 lần, đã giảm khoảng 50-80 triệu đồng/nền sau đó vài tháng. Tuy vậy, trong đó cũng có một vài khu vực, đất của người dân thì không giảm giá mà đi ngang do họ vẫn giữ đất, không vội bán ra. Và đến thời điểm này, các nền đất này tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới. Các cuộc đấu giá diễn ra ở một số địa phương giá đã lập đỉnh mới; giao dịch cũng quay trở lại.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá cho biết, sẽ tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường...
Theo UBND tỉnh Thanh Hoá trong thời gian vừa qua, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc, hiện tượng như: doanh nghiệp triển khai việc kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản; một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản).
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản .
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có).
Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản nghiêm trường hợp các dự án bất động động sản chưa đủ điều điều pháp lý đã đưa vào kinh doanh.
Nhịp sống kinh tế