Đất vàng Đà Lạt cho thuê giá bèo
Những con số xác định giá trị của khách sạn Hải Sơn, nhà số 31 Trương Công Định và Khu Du lịch cáp treo khi cho thuê khiến nhiều người giật mình vì quá thấp.
- 04-04-2023Bà Rịa - Vũng Tàu đấu giá khu 'đất vàng' rộng hơn 27.000 m2
- 03-04-2023Đàm phán giá đất trong vụ khiếu kiện đất đai lớn nhất miền Trung
- 03-04-2023Hà Nội yêu cầu chấm dứt việc cho thuê đất nông nghiệp, đất công trái phép
Khách sạn Nice Dream (tên cũ là khách sạn Hải Sơn, số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, TP Đà Lạt) tiêu chuẩn 3 sao, có tổng diện tích 3.177 m2. Khách sạn nằm trên khu "đất vàng" của TP Đà Lạt khi có 2 mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Đại Hành, cổng chính dẫn thẳng ra chợ Đà Lạt, cách rạp Hòa Bình, hồ Xuân Hương chỉ vài trăm mét.
Ra "yêu sách"
Năm 2013, Công ty Du lịch Lâm Đồng cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Du lịch Lâm Đồng như hiện nay. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký hợp đồng cho công ty này thuê đất khách sạn Nice Dream đến năm 2014, sau đó gia hạn đến năm 2019 rồi tiếp tục gia hạn đến cuối năm 2024.
Khách sạn Nice Dream có vị trí đắc địa ở TP Đà Lạt
Theo hồ sơ phóng viên có được, giá thuê đối với diện tích 3.177 m2 đất vàng này mà Công ty CP Du lịch Lâm Đồng phải trả trước thời điểm 24-6-2020 chỉ hơn 811 triệu đồng/năm (khoảng 67,5 triệu đồng/tháng). Sau thời điểm 24-6-2020 là 1,25 tỉ đồng/năm (khoảng 104 triệu đồng/tháng).
Đến tháng 12-2022, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra số 2123/TB-TTCP. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát để kịp thời điều chỉnh đơn giá cho Công ty CP Du lịch Lâm Đồng thuê, bảo đảm không thất thoát ngân sách nhà nước.
Sau kết luận trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cho kiểm tra rồi ra quyết định điều chỉnh giá cho thuê đất khách sạn Nice Dream từ mức 1,25 tỉ đồng/năm lên gần 9 tỉ đồng/năm.
Trong đề nghị giảm tiền thuê đất khách sạn Nice Dream mới đây, Công ty CP Du lịch Lâm Đồng "than" thời điểm tiếp nhận khách sạn đầu năm 2014 thì cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, đa số các phòng không đủ an toàn đón khách. Được gia hạn thuê đất nên doanh nghiệp này nâng cấp sửa chữa và đủ điều kiện tiếp nhận khách từ năm 2016 như hiện nay.
Lãnh đạo công ty cho rằng từ khi nhận bàn giao, công ty chỉ có gần 5 năm hoạt động kinh doanh thuận lợi để đủ khấu hao 13 tỉ đồng đã chi ra trong việc nâng cấp khách sạn Nice Dream.
Công ty CP Du lịch Lâm Đồng cho rằng không thể kham nổi tiền thuê đất mới nên đề xuất 2 phương án. Một là, đề nghị điều chỉnh đơn giá thuê đất khách sạn Nice Dream chu kỳ 2020-2024 tăng không quá 15% so với kỳ trước đó (là 1,25 tỉ đồng/năm); Hai là, đề nghị được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì công ty không thể cân đối được tài chính với mức giá thuê mới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đề nghị được hoãn nộp khoản truy thu tiền thuê đất từ năm 2020 đến nay là 18,6 tỉ đồng.
Mặt trước khách sạn Nice Dream
Định giá từ 40,5 tỉ đồng xuống... 6,4 triệu đồng
Trở lại thời điểm sau khi Công ty Du lịch Lâm Đồng cổ phần hóa thành công, đổi tên thành Công ty CP Du lịch Lâm Đồng, năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định cho doanh nghiệp này thuê 3 tài sản gồm nhà số 31 Trương Công Định, khách sạn Hải Sơn (là khách sạn Nice Dream nêu trên) và Khu Du lịch cáp treo.
3 tài sản nhà nước này khi đó được xác định giá trị còn lại cực kỳ thấp. Cụ thể, vào năm 2014, nhà số 31 Trương Công Định (phường 1, TP Đà Lạt) có hiện trạng là nhà cấp 3, có 3 tầng, diện tích 80 m2/tầng. Ngôi nhà có giá trị theo sổ sách kế toán là hơn 1,7 tỉ đồng nhưng giá trị xác định lại vào thời điểm quyết định cho thuê chỉ còn hơn 1,16 tỉ đồng. Trong ngôi nhà có 1 máy photocopy nguyên giá hơn 33 triệu đồng nhưng giá trị còn lại xác định là 0 đồng. Ngoài ra, thời điểm trước tháng 11-2019, nhà đất số 31 Trương Công Định chỉ được cho thuê với giá hơn 66 triệu đồng/năm, khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, sau đó nâng lên 8,3 triệu đồng/tháng.
Đối với khách sạn Hải Sơn, thời điểm ban hành quyết định cho thuê là nhà cấp 3, cao 4 tầng, tổng diện tích sàn 3.000 m2 cùng một số vật kiến trúc là cổng, hàng rào khách sạn. Theo sổ sách kế toán, nguyên giá của khách sạn hơn 2,25 tỉ đồng nhưng giá trị còn lại được xác định là… 0 đồng. Máy móc thiết bị bên trong khách sạn có nguyên giá gần 49 triệu đồng cũng được xác định giá trị còn lại là 0 đồng.
Tài sản cho thuê là Khu Du lịch cáp treo cũng tương tự khi cơ sở vật chất có hàng chục hạng mục hạ tầng với giá trị theo sổ sách kế toán gần 11,6 tỉ đồng song khi xác định giá trị còn lại chỉ 314 triệu đồng.
Bất ngờ hơn nữa, máy móc thiết bị của khu cáp treo được xác định theo sổ sách kế toán là 40,5 tỉ đồng nhưng khi ban hành quyết định cho Công ty CP Du lịch Lâm Đồng thuê thì giá trị còn lại chỉ hơn 6,4 triệu đồng.
Yêu cầu không lãng phí
Ngoài việc được cho thuê 3 tài sản, Công ty CP Du lịch Lâm Đồng còn được cho thuê trả tiền hằng năm đối với 4 lô đất khác tại TP Đà Lạt gồm lô đất 2.836 m2 tại số 10 Quang Trung, lô đất 3.231 m2 tại đèo Prenn, lô đất 10.400 m2 tại khu du lịch dã ngoại hồ Tuyền Lâm và lô đất 2.544 m2 tại số 5 Nguyễn Thái Học.
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Du lịch Lâm Đồng xây dựng phương án sử dụng đất đối với 4 lô đất nêu trên theo quy định, không để lãng phí.
Người lao đông