Đất xây nhà ở xã hội 'biến mất' khỏi dự án!
Ngoài việc cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cho chủ đầu tư là Công ty CP Rạng Đông được hưởng lợi lớn từ giá đất khi chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị, ông Đinh Trung (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, người gửi đơn tố cáo sai phạm của dự án) cho rằng dự án còn có sai phạm vì không bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.
- 06-02-2022Hà Nội: siết quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
- 27-01-2022Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án thương mại, khu đô thị
- 27-01-2022Bộ Xây dựng thúc các địa phương triển khai gói hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội
Dự án Khu đô thị du lịch biển (KĐT) Phan Thiết có quy mô hơn 62ha nằm vị trí đắc địa tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết được tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty CP Rạng Đông chuyển đổi từ quy hoạch đất sân golf sang đất làm dự án khu đô thị vào năm 2014. Theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH), chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Rạng Đông phải dành 20% tổng diện tích đất (khoảng 7,2ha - PV) để xây dựng NƠXH.
Quy định này nêu rõ: “Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn vốn ngân sách) và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu NƠXH thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án”. Áp dụng khoản 1, Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ cũng cho thấy, trong trường hợp này nếu nhà đầu tư không có nhu cầu NƠXH, thì phải giao 7,2ha đất dự án KĐT Phan Thiết cho UBND tỉnh đem đấu giá thu tiền làm quỹ xây dựng NƠXH tại dự án khác.
Dự án KĐT Phan Thiết có vị trí đắc địa tại TP Phan Thiết Ảnh: CÔNG HOAN
Quy định đã nêu rõ như thế, nhưng ngày 2/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận lại có văn bản số 985/UBND-ĐTQH gửi Bộ Xây dựng đề nghị hoán đổi 20% quỹ đất ra khỏi dự án. Bản chất là UBND tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ mặc dù không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội trong KĐT Phan Thiết nhưng cũng không yêu cầu chủ đầu tư giao lại phần diện tích quỹ đất này theo quy định để địa phương đấu giá.Tiếp đến, ngày 13/4/2015, Công ty CP Rạng Đông có văn bản số 37CV/TH-CLB gửi tiếp Bộ Xây dựng cho phép thực hiện đề xuất trên.
“Dù các quy định pháp luật đã rõ ràng, nhưng không hiểu sao Bộ Xây dựng vẫn có văn bản đồng ý đề xuất trên của chủ đầu tư. Ngày 24/4/2015, Bộ này đã có văn bản số 906/BXD-QLN trả lời trong đó cho phép chủ đầu tư KĐT Phan Thiết nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, để đầu tư xây dựng NƠXH tại 2 khu đất khác có tổng diện tích 8,75ha thay vì tại khu đô thị này”, ông Đinh Trung (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận) cho hay.
“Bật đèn xanh” cho DN?
Dù chưa có văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng, nhưng thực tế trước đó 18 ngày thì UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định đồng ý cho chủ đầu tư đưa 20% quỹ đất xây dựng NƠXH ra khỏi dự án KĐT Phan Thiết. Theo đó, ngày 6/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định số 909/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT Phan Thiết, trong đó 20% quỹ đất xây dựng NƠXH đã “biến mất” khỏi khu đô thị này. “Nhiều người dân và cán bộ lão thành ở địa phương đặt câu hỏi, phải chăng tỉnh Bình Thuận đã cố tình “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp thực hiện trước khi được Bộ Xây dựng đồng ý? Tại sao Công ty CP Rạng Đông lại được tỉnh ưu ái một cách bất thường như trên?”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận bức xúc.
Theo ông Đinh Trung, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã không chấp hành và thực hiện đúng điểm a, khoản 2, Điều 6 Nghị định 188 /2013/NĐ-CP của Chính phủ, không dành 20% quỹ đất xây dựng NƠXH trong dự án trước khi Bộ Xây dựng có văn bản trả lời. Đồng thời, tỉnh còn tự ý thu khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% với giá rẻ mạt làm thất thu ngân sách Nhà nước; cố ý biến đất NƠXH trong dự án thành đất thương mại, chỉ để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp?.
Ngoài ra, trong báo cáo kiểm toán số 23/KTNN-TH ngày 12/1/2018, cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng đã chỉ ra tồn tại sau: UBND tỉnh Bình Thuận cho phép Công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết không bố trí 72.704 m2 trong dự án, mà cho phép nộp tiền để thực hiện quỹ NƠXH ngoài dự án với mức thu hơn 2,57 triệu đồng/m2 (bằng mức tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách) để cho DN nộp tổng số tiền hơn 187,3 tỷ đồng là chưa phù hợp. KTNN ước tính theo doanh thu phát triển trong phương án tính giá đất, số tiền quỹ NƠXH doanh nghiệp phải nộp cho dự án này là hơn 221,8 tỷ đồng (tăng hơn 34 tỷ đồng so với việc tỉnh cho phép DN này nộp).
Tiền phong