Đấu giá đất giá "trên trời" rồi... "bỏ cọc chạy lấy người"
Tại nhiều cuộc đấu giá đất, kết quả trúng đấu giá cao gấp 2 - 3, thậm chí gấp 8 lần so với giá ban đầu. Tuy nhiên sau khi đấu giá, không ít nhà đầu tư đã bỏ cọc.
- 19-12-2021Sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, thị trường bất động sản dậy sóng
- 18-12-2021Đấu giá đất ngàn tỷ ở Thủ Thiêm: Liệu có bất thường?
- 17-12-2021Đấu giá đất hàng chục nghìn tỷ ở Thủ Thiêm tác động đến thị trường thế nào?
Tại 1 trong 25 miếng đất thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, miếng đất đã được đấu giá thành công với mức giá lên đến gần 400 triệu đồng/m2.
Theo những người dân và cả những người đầu tư tham gia cuộc đấu giá đây là một mức giá "không tưởng" bởi xung quanh đây hầu hết chỉ là nhà người dân sinh sống, không có hạ tầng giao thông đặc biệt hay là có những trung tâm thương mại sầm uất ở gần đây.
Dù chỉ có 25 lô đất nhưng phiên đấu giá đã có khoảng 800 - 900 hồ sơ tham gia, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn nộp từ 5 - 10 bộ. Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá, đa số nhà đầu tư phải bỏ cuộc, vì mức giá cuối cùng cao hơn giá khởi điểm từ 2 - 2,6 lần.
"Khi họ đấu giá rõ ràng họ đã không xác định mục tiêu ban đầu là sử dụng đất, họ đi kinh doanh để có lời. Họ trả giá cao, trong thời hạn chưa phải nộp tiền, họ kỳ vọng là sẽ lướt sóng và bán được. Nhưng thực tế không bán được thì họ sẽ bỏ cọc", ông Ngô Hồng Tuấn - nhà đầu tư cho hay.
Vài tháng trở lại đây, các cuộc đấu giá đất đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Theo các nhà đầu tư, chỉ cần bỏ ra một số tiền bằng 20% mức giá khởi điểm theo luật là đã có thể tham gia đấu giá. Thời gian nộp tiền trúng đấu giá lên đến 90 ngày, lại được ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, thời hạn thanh toán nhiều đợt nên các nhà đầu tư thoả sức mua đi bán lại, ăn chênh lệch, cùng lắm không bán được thì mất cọc.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - TGĐ Công ty đấu giá hợp dạnh Lạc Việt cho biết: "Có những vùng chúng tôi đấu đi đấu lại, một cuộc đấu giá diễn ra đến 8 lần mà cũng không hết được đất vì giá quá cao. Hệ luỵ gây tốn sức người và tiền của cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc đấu giá cho thành công. Bên cạnh đó sẽ không thu hút được bà con tham gia đấu giá nữa vì giá đất quá cao".
Thực tế tình trạng đấu giá đất thành công xong bỏ cọc diễn ra ở rất nhiều địa phương từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thanh Hoá… đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải hoàn thiện hơn nữa Luật Đấu giá. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần điều chỉnh điều kiện cho vay đầu tư vào bất động sản sao cho phù hợp với đối tượng, để tình trạng này không tiếp diễn trong thời gian tới.
VTV.VN