Đầu năm bàn chuyện kế thừa doanh nghiệp gia đình
Để thành công, cả hai thế hệ phải cùng học hỏi và biết tôn trọng lẫn nhau.
- 18-08-2019Ông chủ doanh nghiệp Tiến Nông: Tại sao lại phải giao tài sản cho con nếu chúng không tiếp nối sự nghiệp gia đình?
- 10-08-2019Khó khăn trong quản trị doanh nghiệp gia đình: “Một cơ thể ba cái đầu, tay chân sao có thể làm việc được”
Bàn về vấn đề kế nghiệp, truyền thừa của doanh nghiệp (DN) Việt trong bối cảnh kinh tế thế giới lẫn trong nước có nhiều thay đổi và sự dẫn dắt, chi phối của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED, cho biết 2 vấn đề lớn của cộng đồng DN Việt hiện nay là tái tạo và kế nghiệp.
Phóng viên: Vì sao ông cho rằng đây là 2 vấn đề lớn của DN Việt hiện nay?
Ông Giản Tư Trung
Ông Giản Tư Trung: Chúng ta đang chứng kiến sự đào thải của thế giới về cộng đồng DN rất khủng khiếp. Đa số DN Việt là nhỏ và vừa, một bộ phận trong đó là DN gia đình và câu chuyện kế nghiệp trở nên nóng bỏng hơn bởi những doanh nhân "đời đầu" đã lớn tuổi, đang dần chuyển giao sự nghiệp làm ăn lại cho con cháu họ kế thừa.
Trong thời đại cạnh tranh bằng kinh tế số, vòng đời sản phẩm rất ngắn, công ty nào không thực hiện tái tạo sẽ chết ngay. Tái tạo là làm mới lại toàn bộ từ chiến lược, hệ thống, văn hoá… Xu hướng tiêu dùng hiện đại đòi hỏi DN phải tái tạo liên tục. DN muốn sản phẩm tốt phải luôn ở tư thế lúc nào cũng trong tinh thần khởi nghiệp.
Nhưng thực tế không có nhiều DN gia đình theo kiểu "cha truyền con nối" phát triển tốt?
Trước đây có xu hướng các công ty gia đình kéo người bên ngoài về làm nhưng đã xảy ra những "đổ vỡ" nhất định nên nhiều DN quay về đào tạo những hạt giống có sẵn. Dĩ nhiên, hành trình kế nghiệp không ít gian nan. Vấn đề là thế hệ doanh nhân F1 phải có niềm tin, trao quyền cho thế hệ kế thừa. Doanh nhân thế hệ F2 tiếp thu những kinh nghiệm từ thế hệ đi trước và được học hành bài bản, tiếp cận những kiến thức mới, làm việc trong môi trường kinh doanh hiện đại. Ngay cả tại lớp CEO của PACE, nếu 15 năm trước khi chúng tôi mới mở trường, học viên lớp này có độ tuổi trung bình 40-45 thì hiện nay, tuổi trung bình của học viên đã giảm xuống còn 35-40. Trong đó, không ít học viên là con em của các DN, cơ sở gia đình chủ động đăng ký học với mục đích mang những kiến thức quản trị, điều hành hiện đại về áp dụng cải tổ, phát triển DN mình.
Vậy theo ông, những doanh nhân trẻ trong DN gia đình cần làm gì để đưa DN mình lớn mạnh, cạnh tranh tốt hơn trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt?
Người khôn ngoan phải biết tận dụng, phát huy những thế mạnh của thế hệ đi trước gồm bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh thương trường. Người giỏi phải biết mình chưa mạnh, chưa giỏi điểm nào để tận dụng cái giỏi của người khác. Trong thế hệ doanh nhân F2 của TP HCM hiện nay, không ít bạn trẻ sau khi đã được cha mẹ đào tạo, trao quyền đã tự tin phát triển được DN; cha mẹ lui về giữ vai trò cố vấn.
Để thành công, 2 bên phải cùng học hỏi mà trước hết phải biết tôn trọng lẫn nhau. F1 dựng nghiệp, có bề dày kinh nghiệm lẫn những trải nghiệm trong kinh doanh; F2 kế nghiệp với thế mạnh của sức trẻ, sự tươi mới, năng động. Nếu cộng gộp, hài hòa được 2 thế mạnh này, DN đó sẽ rất mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Người Lao Động