Dầu Nga liệu có hết đường vào châu Âu qua ngả Ấn Độ?
Liên minh châu Âu (EU) cần phải ngăn chặn việc Ấn Độ bán các sản phẩm xăng dầu được chế biến từ dầu thô nhập khẩu từ Nga vào thị trường khối này.
- 15-05-2023Ông lớn dầu Nga giữa bão cấm vận: Vén màn "kẻ vô danh" bí ẩn lột xác thành người giải cứu khổng lồ
- 07-05-2023Đàm phán then chốt đổ vỡ vì Moscow không nhượng bộ, "cứu tinh" hàng đầu của dầu Nga hứng đòn đau đớn
- 06-05-2023Vị tỷ phú 'bad boy' hái ra tiền nhờ dầu Nga, tận dụng thị trường mà ai cũng sợ không dám bước vào
Liên minh châu Âu (EU) cần phải ngăn chặn việc Ấn Độ bán các sản phẩm xăng dầu được chế biến từ dầu thô nhập khẩu từ Nga vào thị trường khối này. Đây là khẳng định của một quan chức đối ngoại cao cấp của EU trong bối cảnh các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các lệnh cấm vận nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Đây là khẳng định của Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách Đối ngoại của EU Josep Borrell hồi tuần trước với tờ Financial Times. Ông này cho biết, Brussels đã biết việc các công ty lọc hóa dầu Ấn Độ đang tăng cường mua một lượng lớn dầu thô Nga, rồi tinh lọc thành các sản phẩm thương mại để bán tại thị trường châu Âu. Quan chức EU cho biết, đây sẽ là lần đầu tiên EU hành động để chấm dứt việc này.
“Nếu dầu diesel và xăng vào thị trường EU tới từ Ấn Độ và được tinh lọc từ dầu thô của Nga, đó chắc chắn là một sự lách luật với các biện pháp trừng phạt. Các nước thành viên phải có biện pháp.” Ông Josep Borrell nói.
Ấn Độ là một trong số những nước mua dầu thô của Nga nhiều nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ kiếm được lợi nhuận lớn bằng cách mua dầu thô được chiết khấu cao từ Nga – sản phẩm hiện bị cấm vào EU. Sau đó, các thương nhân Ấn Độ được cho là bán các sản phẩm nhiên liệu vào châu Âu với giá thị trường.
Hoạt động thương mại này là hợp pháp nếu căn cứ theo các lệnh trừng phạt của EU. Tuy nhiên, nhiều người lên tiếng chỉ trích việc làm này bởi EU vẫn đang muốn thúc đẩy các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nhằm vào Nga. Người ta cho rằng, dầu Nga đi ‘đường vòng’ qua Ấn Độ cho phép Moskva tiếp tục kiếm được khoản thu lớn từ việc bán dầu mỏ.
Quan chức châu Âu cũng cho rằng mức giá trần với dầu mỏ của Nga vốn ở mức 60 USD/thùng đã có tác dụng làm giảm lợi nhuận mà Nga thu được. Việc Ấn Độ tận dụng lợi thế của việc nhập khẩu dầu thô với giá thấp cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, EU cảm thấy khó chịu với việc dầu Nga đang chảy ngược trở lại châu Âu dưới dạng sản phẩm nhiên liệu tinh chế.
“Việc Ấn Độ mua dầu của Nga là điều bình thường. Và nếu, nhờ những hạn chế về giá dầu, Ấn Độ có thể mua loại dầu này với giá rẻ hơn nhiều, thì Nga càng nhận được ít tiền càng tốt. Nhưng nếu họ sử dụng nó để trở thành một trung tâm tinh chế dầu của Nga và các sản phẩm được bán cho chúng tôi thì chúng tôi phải hành động.” Đại diện Chính sách đối ngoại của EU khẳng định.
Những phát biểu của ông Josep Borrell được đưa ra trước thềm cuộc gặp giữa ông với Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar tại Brussels trong ngày 16/5. Dự kiến, hai quan chức ngoại giao EU và Ấn Độ sẽ thảo luận về vấn đề này.
VOV