Dầu thô của Nga vẫn tiếp tục được “ưu ái” tại châu Á
Mặc dù bị cấm vận bởi phương Tây và xuất khẩu dầu giá rẻ sang Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm, dầu thô của Nga tiếp tục tìm được thêm một khách hàng tiềm năng khác từ thị trường châu Á. Không chỉ vậy, các báo cáo chỉ ra rằng lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ có tác động rất hạn chế đến xuất khẩu dầu mỏ của ông Putin và dự báo dòng chảy dầu thô của Nga vẫn sẽ được đảm bảo bởi nhiều yếu tố.
- 20-08-2022Dầu thế giới rơi 1,5% trong tuần, xăng trong nước có tiếp tục giảm?
- 20-08-2022Hàng hoá sắp bước vào một cuộc đua về giá mới - thép, kim loại công nghiệp là tâm điểm
- 19-08-2022Vì sao giá xuất khẩu gạo khó bứt phá khi nhiều nước bị khủng hoảng lương thực?
Theo dữ liệu từ Bloomberg và Reuters, Nga vẫn đang cố gắng tìm những khách hàng mới cho các sản phẩm năng lượng của mình. Sau Ấn Độ và Trung Quốc, một khách hàng tiềm năng khác đang lên kế hoạch mua khí đốt và dầu của Nga, đó là Myanmar.
Thiếu tướng Zaw Min Tun, đại diện cho quân đội nước này, cho biết vào ngày 17/8 vừa qua: "Chúng tôi đặt mục tiêu mua dầu nhiên liệu chất lượng cao với giá rẻ từ quốc gia mà chúng tôi có thể mua được một cách nhanh chóng". Ông cho biết thêm quân đội đã thành lập Ủy ban Mua dầu của Nga do một đồng minh thân cận của Min Aung Hlaing đứng đầu để giám sát việc mua, nhập khẩu và vận chuyển nhiên liệu với giá cả hợp lý dựa trên nhu cầu của họ.
Myanmar hiện nhập khẩu nhiên liệu của mình thông qua Singapore. Myanmar đã được quân đội tiếp quản kể từ sau cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021. Kể từ đó, chính quyền đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu. Giống như nhiều nền kinh tế trên thế giới, Myanmar đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng vọt. Hiện nay Myanmar đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá nhiên liệu cao và việc cắt giảm điện, khiến giới lãnh đạo quân đội nước này chuyển sang nhập khẩu dầu nhiên liệu có thể sử dụng trong các nhà máy điện. Giá xăng dầu đã tăng khoảng 350% kể từ cuộc đảo chính vào tháng 2 năm ngoái lên 2.300-2.700 kyat (khoảng 1 USD)/lít.
Theo Reuters, trong tuần trước, các trạm xăng ở nhiều khu vực của Myanmar đã buộc phải đóng cửa do hết nhiên liệu. Xuất khẩu dầu nhiên liệu của Nga dự kiến sẽ bắt đầu đến Myanmar vào tháng 9 tới đây.
Nga đã hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây kể từ sau khi nước này xảy ra xung đột với Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua, khiến thị trường năng lượng bị đảo lộn. Châu Âu – vốn là khách hàng lớn nhất của Nga đã bắt đầu mua ít nhiên liệu hơn từ nước này. Để bù đắp sự sụt giảm từ khách hàng lớn này, ông Putin đã đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng của Nga sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường châu Á.
Myanmar là quốc gia mới nhất trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng - bao gồm Sri Lanka và Lào. Họ đang tích cực tìm kiếm dầu của Nga. Bên cạnh đó Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã bắt được các lô hàng dầu từ Nga. Mặc dù vậy, theo ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group, không chắc chắn rằng Moscow sẽ có thể tìm được người mua thay thế cho tất cả số dầu mà họ bán cho EU.
Theo nghiên cứu từ Đại học Yale viết trong một báo cáo tháng 7, các thị trường như vậy sẽ nhạy cảm hơn về giá và có thể Nga sẽ còn giảm giá mạnh hơn nữa.
Ảnh minh họa
Thị trường Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn rất tiềm năng
Dầu thô của Nga đã được giao dịch ở mức chiết khấu cao so với các tiêu chuẩn toàn cầu kể từ tháng Ba. Mức giảm giá này đã mang lại lợi ích cho người mua ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tờ Wall Street Journal gần đây đã đưa tin công ty Sinopec của Trung Quốc đã công bố các số liệu tài chính tăng mạnh trong quý đầu tiên, một phần là nhờ dầu giá rẻ của Nga.
Trong khi đó, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc cho tháng 5, vượt qua đối tác OPEC+ là Saudi Arabia.
Về mức chiết khấu dầu, Nga đã giảm mức chiết khấu của mình trong vài tuần qua. Điều này cho thấy nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ đủ mạnh để giữ cho doanh thu từ dầu của Nga không bị ảnh hưởng quá nhiều từ lệnh trừng phạt.
Theo số liệu từ Bloomberg, dòng chảy dầu này trong tuần tính đến ngày 12/8 đã ghi nhận sự sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3, sau khi đạt mức cao nhất khoảng 2 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Việc giảm giá dầu của Nga có thể là một trong những lý do khiến khối lượng xuất sang châu Á giảm. Một nguyên nhân khác có thể là do dự trữ dầu thô giá rẻ từ Nga ở cả Ấn Độ và Trung Quốc đang ở mức cao. Việc chuyển hướng dòng chảy dầu của Nga khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào hai quốc gia này khi bán dầu thô của mình. Ấn Độ và Trung Quốc hiện chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của Nga, tăng một nửa so với một năm trước.
Tuy nhiên đây được xem là quan hệ "đôi bên cùng có lợi". Các cường quốc châu Á cần năng lượng rẻ để duy trì vị thế của mình. Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trong nhiều năm qua và Nga cần thị trường mới cho dầu thô của mình, đặc biệt là sau khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào cuối năm nay.
Một khi lệnh cấm vận này có hiệu lực, bao gồm thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh. Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với những người mua nhỏ hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, và thậm chí cả Sri Lanka đang gặp khó khăn, sẽ là những người chiến thắng, giữ được quyền tiếp cận dầu thô của Nga với giá ưu đãi.
Không có gì ngạc nhiên khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hồi đầu tháng này, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ có tác động rất hạn chế đến sản lượng dầu của Nga. Trong tháng 7, sản lượng dầu thô của Nga chỉ thấp hơn 310.000 thùng/ngày trước khi xảy ra xung đột với Ukraine.
Tham khảo: BI, Bloomberg
Theo Nhịp sống kinh tế