Đầu tư mạnh cho các startup dù chưa biết đi về đâu, nhưng “Shark” Louis Nguyễn đã bán ra hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu trên TTCK Việt Nam
Theo báo cáo của Vietnam Equity Holdings Tính tới cuối tháng 7, tổng giá trị danh mục của quỹ đạt 40,6 triệu Euro, trong đó, FPT và Vinamilk là 2 khoản đầu tư lớn nhất. Đợt bán cổ phiếu FPT vào cuối tháng 8 vừa qua của Vietnam Equity Holdings là khá lớn khi chiếm khoảng 30% danh mục quỹ.
- 01-09-2018Gần 7,6 triệu cổ phiếu FPT giá trị khoảng 335 tỷ đồng vừa được "trao tay"
- 31-08-2018Hậu trường Shark Tank mùa 2: Khi các Sharks diện suits trước giờ G
- 20-07-2018CEO đồng hồ Curnon chia sẻ “hậu” Shark Tank: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam
Vào cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu gần 7,6 triệu cổ phiếu FPT từ quỹ ngoại Vietnam Equity Holdings sang cho 3 quỹ ngoại khác là Panah Master Fund, với Apollo Asia Fund Ltd và The Ton Poh.
Tại thời điểm chuyển nhượng, thị giá cổ phiếu FPT ở quanh mức 44.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá trị số cổ phiếu mà Vietnam Equity Holdings chuyển nhượng ước tính rơi vào khoảng 335 tỷ đồng, tương đương 12,4 triệu Euro.
Theo báo cáo của Vietnam Equity Holdings, tính tới cuối tháng 7, tổng giá trị danh mục của quỹ đạt 40,6 triệu Euro, trong đó, FPT và Vinamilk là 2 khoản đầu tư lớn nhất. Đợt bán cổ phiếu FPT vào cuối tháng 8 vừa qua của Vietnam Equity Holdings là khá lớn khi chiếm khoảng 30% danh mục quỹ.
Cũng trong tháng 8, Vietnam Equity Holdings đã tiến hành giảm tỷ lệ sở hữu tại một số doanh nghiệp như Nhà Thủ Đức (TDH) hay Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC). Trong tháng trước đó, Vietnam Equity Holdings cũng bán ra cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn của Elcom (ELC).
Giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ của Vietnam Equity Holdings tính tới cuối tháng 7 đạt 4,4 Euro, giảm gần 8% so với đầu năm. Có thể nói, diễn biến không thực sự thuận lợi của TTCK Việt Nam trong năm 2018 đã ảnh hưởng lớn tới kết quả của các quỹ ngoại, trong đó có Vietnam Equity Holdings.
Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007, Vietnam Equity Holdings là một trong ba quỹ thành viên thuộc Saigon Asset Management (SAM) do ông Louis Nguyễn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Tại Việt Nam, Louis Nguyễn không còn là gương mặt xa lạ khi ông góp mặt trong chương trình Shark Tank mùa thứ 2 với vai trò "Shark".
Theo tìm hiểu, trước khi thành lập SAM, ông Louis Nguyễn từng là giám đốc điều hành VinaCapital, phụ trách quỹ công nghệ DFJ VinaCapital. Trước đó, ông từng là TGĐ IDG Ventures Vietnam, một quỹ đầu tư vào các startup nổi tiếng tại Việt Nam.
Trước đó, ông Louis Nguyễn là Phó chủ tịch tại Intelligent Capital, một quỹ chuyên thực hiện M&A trong ngành công nghệ có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), đơn vị này đã giao dịch thành công các thương vụ có giá trị hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra, ông Louis Nguyễn còn từng là quản lý tại Osprey Ventures, một quỹ đầu tư ngành công nghệ trị giá khoảng 100 triệu USD có trụ sở tại Thung lũng Silicon hay quản lý tại nhà máy sản xuất máy tính của Apple Computer, NEC Computer Systems.
Hiện tại, ngoài việc quản lý SAM, ông Louis Nguyễn còn là Giám đốc điều hành của Sunwah Kingsway - Công ty Hong Kong chuyên về đầu tư bất động sản và xuất khẩu nông nghiệp.
Tại chương trình Shark Tank mùa 2, ông Louis Nguyễn đã đầu tư vào một số startup như đồng hồ Curnon hay dự án nông sản hữu cơ Hoa Nắng.
Trong đó, startup Hoa Nắng chuyên sản xuất gạo hữu cơ được "Shark" Louis Nguyễn đầu tư 4 tỷ đồng cho 51% cổ phần công ty và 4 tỷ đồng cho trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 15%. Đây được đánh giá là startup khá "khó nhằn" khi Hoa Nắng hoạt động mà không có vốn thực góp nhưng vẫn được ông Louis Nguyễn rót vốn.
"Shark" Louis Nguyễn cho biết, công ty Sunwah Kingsway của ông đang có hướng đi mới là hữu cơ. Ngoài ra, công ty SAM cũng hợp tác với ông lớn như Đạm Phú Mỹ, Vinamilk, Cafe Phúc Long, Vinamit, Dừa Betrimex, SATRA…và qua đó có thể hỗ trợ cho các startup nông nghiệp như Hoa Nắng.
Trí Thức Trẻ