MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu vào tăng 1 - 5%, EVN được quyết tăng giá điện: Chuyên gia nói cần cân nhắc

Đầu vào tăng 1 - 5%, EVN được quyết tăng giá điện: Chuyên gia nói cần cân nhắc

Chuyên gia kinh tế cho rằng cần cân nhắc việc để EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng 1 – 5%.

TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
76 bài viết
  • Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
  • Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023

Chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng dự thảo cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

“Với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện thì tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh. Việc quyết định tăng giá điện phải có cơ quan giám sát độc lập, thỏa mãn các điều kiện theo quy định thì mới được điều chỉnh”, ông Long nói.

Đầu vào tăng 1 - 5%, EVN được quyết tăng giá điện: Chuyên gia nói cần cân nhắc - Ảnh 1.

Theo dự thảo mới, EVN có thể được điều chỉnh tăng giá ngay khi có biến động đầu vào từ 1% trở lên. (Ảnh minh họa: EVN)


Vẫn theo chuyên gia, EVN là đơn vị đang sản xuất, kinh doanh điện nên nếu giao quyền tự quyết giá điện cho doanh nghiệp sẽ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần nhưng theo cơ chế thị trường.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng câu chuyện giá điện luôn nhận được quan tâm của công luận bởi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và kinh doanh của doanh nghiệp.

“Hiện nay dư luận vẫn nói rằng EVN là doanh nghiệp độc quyền, không chịu cơ quan giám sát nào. Bộ Công Thương nên có một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện. Đây cũng là một yêu cầu rất lành mạnh giúp EVN phát triển và nhận được sự ủng hộ của người dân”, ông Doanh nói.

Về giá điện hiện nay, ông Doanh cho rằng báo cáo cho thấy EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Nên việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý. Vấn đề là cơ chế điều chỉnh giá thế nào. Ở nhiều nước, giá điện được điều chỉnh rất linh hoạt, giá ban đêm khác giá ban ngày để khuyến khích dùng điện vào ban đêm, tránh căng thẳng lưới điện. Nhưng vấn đề là làm sao để người Việt Nam thích nghi với cơ chế này, sau thời gian dài quen dùng điện bình ổn giá thấp.

“Tôi nghĩ cần có lộ trình, không nên quyết định ngay một cách hành chính. Nên có bước chuẩn bị về tâm lý để người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, các ngành sản xuất chủ động tính toán chi phí đầu vào cũng như có thời gian kịp đổi mới công nghệ. Đồng thời nên tham khảo rộng rãi ý kiến công luận vì giá điện có thể tác động mạnh mẽ đến sản xuất, tiêu dùng của người dân. Điều chỉnh như thế nào để phù hợp doanh nghiệp người dân trong tình hình hiện nay là một vấn đề cần xem xét cẩn thận”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, vấn đề lâu dài là chúng ta phải có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước.

“Vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng 1%, 3% hay 5%... mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng", chuyên gia nhấn mạnh.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Một nội dung nhận được sự quan tâm là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5%.

Ngoài ra, dự thảo quy định khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm. Và ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng. Quy định này thay đổi so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện tại quyết định 24/2017, khi quy định thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng.

Theo Hòa Bình/VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên