MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu xuân “flex" chuyện tiền nong: Người thoát khỏi khoản nợ hơn trăm triệu đồng, người tiết kiệm được 15 triệu/tháng để đi đầu tư

09-02-2024 - 23:30 PM | Sống

Đầu xuân “flex" chuyện tiền nong: Người thoát khỏi khoản nợ hơn trăm triệu đồng, người tiết kiệm được 15 triệu/tháng để đi đầu tư

Cùng lắng nghe hai người trẻ này "flex" về thành tựu tài chính trong ngày đầu năm mới.

Năm Giáp Thìn đã đến. Như thường lệ, đây là khoảng thời gian người ta dành để kể về thành tựu của bản thân, đồng thời chuẩn bị tinh thần đón năm mới với nhiều dự định, mong ước hơn. Nhân dịp đầu năm xuân sang, hai người trẻ dưới đây cũng "tranh thủ" khoe về thành tựu tài chính đáng tự hào, đủ để họ làm bước đệm cho năm mới tươi sáng hơn.

Thoát khỏi khoản nợ 115 triệu đồng

Chỉ đầu năm 2022, Gia Trung (25 tuổi, Hà Nội) - một chuyên viên hành trình nhân sự vẫn còn mang trên vai tổng cộng khoản nợ là 115 triệu đồng. Đó là số tiền mà anh bị người ta lừa khi đầu tư vào “sàn ảo", đồng thời vay xoay vòng để trả khoản nợ cho bố mẹ.

“Đó là thời điểm vô cùng khó khăn với mình. Cứ về đến phòng trọ, thoát khỏi áp lực công việc là mình chỉ nghĩ đến khoản nợ đang mang trên vai. Hết trách bản thân tin người nên mới đầu tư vào ‘sàn ảo', sau đó lại nghĩ mình cần ‘trả giá' vì quãng thời gian trước sống quá an phận, không dám thoát khỏi vùng an toàn. Thế nên 25 tuổi mới có một công việc bình thường, số dư trong tài khoản không quá nhiều để có thể vực dậy trong tình huống gặp khó khăn", Gia Trung nhớ lại.

Đầu xuân “flex

Ảnh minh hoạ

2 tháng đầu, Gia Trung chật vật để có thể bước qua ám ảnh đang mang nợ trên vai. Anh tính toán bản thân cần đến 1 năm tập trung tiết kiệm mới có thể dành dụm được khoản tiền trả nợ với mức sống ở Hà Nội. Con số “115 triệu đồng" buộc Gia Trung phải tự giác chấn chỉnh nhiều thói quen trong cách tiêu tiền.

Đầu tiên là thói quen dùng thẻ tín dụng, trước đó anh tiêu xài khá tuỳ tiện. Nhưng sau khi mắc nợ, Gia Trung buộc bản thân phải chi tiêu bằng tiền mặt nhiều hơn. “Có những tuần, mình chỉ tiêu đúng 200 ngàn đồng để trong ví. Không thẻ tín dụng, không xài chuyển khoản”, anh chàng kể lại. Tiếp theo, anh cũng bắt bản thân phải sống tối giản, cắt giảm nhiều khoản chi phí và đồ linh tinh, chỉ mua sắm những thứ cần thiết.

Điều quan trọng nhất trong hành trình trả nợ này của Gia Trung là tiết kiệm hơn 50% từ thu nhập hàng tháng. Anh chàng chia sẻ: “Giờ nhớ lại, có những thời điểm mình ‘rỗng ví' đúng nghĩa đen. Vì bản thân không muốn động đến cái quỹ tiết kiệm chứa nửa tháng lương để trả nợ của mình.

Có thời điểm, mình cầm cự và sống qua ngày bằng đồ ăn tìm được trong nhà, từ chối đi ăn uống cùng bạn bè để hạn chế mọi khoản chi phí xăng xe. Giờ mình sẽ không bao giờ quên được những ngày phải cố nhịn bữa tối, đợi đến sáng hôm sau để tiết kiệm tiền".

Cho đến tháng 11 năm ngoái, Gia Trung đã có thể chuyển khoản số tiền cuối cùng là hơn 6 triệu đồng cho người bạn thân, chấm dứt gánh nặng  hơn 100 triệu đồng đeo trên vai. Đối với Gia Trung, giờ anh đã bớt đi “nhiệm vụ” là cứ mỗi tháng liền phải chuyển nửa tháng lương vào tài khoản tiết kiệm. Đồng thời, anh cũng đã tính toán chuyển sang thuê căn phòng studio rộng rãi hơn, để nâng cao chất lượng sống.

Đầu xuân “flex

Ảnh minh hoạ

“Giờ mình đã không cần phải gồng gánh áp lực mà không dám nói với ai. Đồng nghiệp chỉ thấy mình ít chơi bời và đi du lịch. Bố mẹ không thấy con gửi tiền về. Nhớ lại quãng thời gian đó mình gần như suy sụp và chỉ cố vực dậy ở bên ngoài để làm lụng trả nợ", anh chàng bày tỏ.

Tiết kiệm được nửa lương để mua vàng, chơi chứng khoán

Thái An (24 tuổi, TP.HCM) đang làm thiết kế đồ hoạ. Từ đầu năm ngoái, cô đã đặt mục tiêu tìm hiểu về đầu tư sau một buổi nói chuyện với nhóm bạn mới quen.

“Khi đó, mình khá bất ngờ vì được biết mọi người đều có một hình thức kiếm tiền bên ngoài nào đó. Trong khi đó, mình không có nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Cũng sau buổi nói chuyện đó, mình nhận ra nếu muốn có tư duy làm giàu thì hãy nói chuyện với những người thích kiếm tiền. Khi bạn không thể nói chuyện được với họ thì bạn sẽ buộc mình phải thay đổi", Thái An kể lại.

Bấy giờ, Thái An đánh giá lại về kiến thức đầu tư của mình. Khi được bạn bè làm trong ngành Ngân hàng rủ chơi chứng khoán, cô nàng luôn nghĩ mình không thể tham gia thị trường này. Bởi cô không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu phân tích chỉ số thị trường và tâm lý sợ rủi ro. Tuy nhiên, sau đó cô đã nhờ một người bạn hướng dẫn mua vài mã cổ phiếu an toàn, tiềm năng cao. Thời gian đầu, có thời điểm cô nàng lãi lớn, song cũng mất 5-10% giá trị từ số tiền đầu tư chứng khoán.

Thái An chia sẻ: “Sau đó, mình nhận ra bản thân không phù hợp với thị trường chứng khoán. Mình vẫn mua chúng nhưng sẽ hạn chế số lượng hơn. Với thu nhập hàng tháng, mình chia nửa thu nhập để dùng cho chi phí sinh hoạt, một nửa để mua vàng và chơi chứng khoán".

Đầu xuân “flex

Ảnh minh hoạ

Được biết trước khi dành tiền đi đầu tư, Thái An tiêu xài tiền kiếm được khá phung phí. Cô nhận ra tiết kiệm hàng tháng mình có được không phải là khoản tiền cô chắt bóp, mà đó là số dư còn lại sau nhiều ngày tiêu xài phung phí trước đó. Cũng vì thế Thái An đã quyết định buộc bản thân dùng lương chính để mang đi đầu tư, tức 15 triệu đồng. Số tiền còn lại, cô sẽ cố gắng dùng để chi trả sinh hoạt phí hàng tháng.

“Tuy nhiên, một điều nuối tiếc của mình trong năm cũ là có những tháng mình vẫn tiêu gần như hết sạch tiền dành cho đầu tư. Vì muốn đi du lịch, mua chiếc túi mới hay tháng đó ăn uống nhiều quá. Trong năm sau, mình đặt mục tiêu sẽ cố gắng tiết kiệm được nửa lương để đi đầu tư ít nhất là trong 2/3 thời gian của năm 2024”.

Học được gì những lần tiêu tiền của năm cũ?

Với Gia Trung, trải nghiệm gần một năm nỗ lực trả nợ cho anh chàng thấy sức mạnh của tiết kiệm tiền và không được quá tin tưởng lời nói của ai, đặc biệt trong khía cạnh tài chính. “Hãy cẩn thận về việc mang nợ. Bởi thứ bạn cần đánh đổi rất nhiều, đó là thời gian nghỉ ngơi, suy nghĩ thất vọng về bản thân. Đến giờ, mọi người xung quanh vẫn không hiểu tại sao mình lại thay đổi nhiều, từ một con người thích đi tụ tập nhưng giờ khép mình nhiều hơn.

Bên cạnh đó, trong năm tới, mình cũng muốn bước ra khỏi vùng an toàn và tìm kiếm cơ hội thăng tiến hơn. Mình dự định sẽ tiếp tục theo đuổi phát triển trong sự nghiệp hoặc làm Affiliate Marketing”, anh chàng bày tỏ.

Trong khi đó, Thái An nhận định nếu có thể, mọi người không nên tiêu hết tiền lương mà hãy cố gắng dành dụm một khoản. Số tiền đó bạn nên mang đi đầu tư hoặc gửi vào tài khoản tiết kiệm. “Bản thân mình thấy việc tiết kiệm rất quan trọng, nó giúp mình có số vốn để đầu tư. Trước kia, mình luôn nghĩ mình chỉ để dành được 5 triệu đồng/tháng là cùng, nhưng giờ số tiền tích luỹ đã nhiều hơn trước gấp bội” , cô nàng nói.

Theo Vân Anh - Thiết kế: Ngô Hoàng Sơn

Phụ nữ mới

Trở lên trên