MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dây chuyền Filler Masterbatch chạy hết công suất, LNST 6 tháng đầu năm của Nhựa Pha Lê (PLP) tăng trưởng 25% lên 31 tỷ đồng

23-07-2018 - 13:04 PM | Doanh nghiệp

Riêng trong quý 2, doanh thu và lợi nhuận của Nhựa Pha Lê tăng trưởng lần lượt là 50% và 25% so với cùng kỳ.

CTCP Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (mã chứng khoán: PLP) đã công bố BCTC quý 2/2018 và 6 tháng đầu năm (chưa soát xét) với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt.

Cụ thể, trong quý 2/2018, doanh thu thuần của Nhựa Pha Lê đạt 129 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, bất chấp việc giá dầu tăng trong 1 năm qua đẩy giá hạt nhựa nguyên sinh đầu vào tăng mạnh và khiến cho tỷ lệ lợi nhuận gộp giảm gần 3% thì công ty này vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 13,8 tỷ đồng – tăng hơn 25% so với quý 2/2017.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Pha Lê đạt 245 tỷ đồng doanh thu thuần và 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 69% và 25% so với 6 tháng đầu năm 2017, hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm. EPS 6 tháng đạt 2.072 đồng.

Dây chuyền Filler Masterbatch chạy hết công suất, LNST 6 tháng đầu năm của Nhựa Pha Lê (PLP) tăng trưởng 25% lên 31 tỷ đồng - Ảnh 1.

Theo giải trình của Nhựa Pha Lê, Filler Masterbatch vẫn là sản phẩm chủ đạo đóng góp hơn 215 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạt nhựa của Pha Lê được tiêu thụ 45% tại thị trường nội địa và xuất khẩu 55% với 3 thị trường xuất khẩu chính là Brazil, Trung Quốc và Dubai.

Doanh thu hạt nhựa tăng mạnh đến từ việc 4 dây chuyền Filler Masterbatch tại Hải Phòng đã hoạt động với công suất tối đa chỉ sau hơn 1 năm vận hành, sớm hơn kế hoạch ban đầu hơn 1 năm. Việc tối đa công suất của dây chuyền sản xuất sản phẩm chính đã giúp cho quá trình sản xuất được ổn định, giảm thời gian ngừng máy và giảm tỷ lệ hàng lỗi, tiết kiệm các chi phí phát sinh.

Đồng thời, Nhựa Pha Lê cũng đã hoàn tất việc chuyển 4 dây chuyền nghiền bột đá ở Hải Phòng về Nghệ An để tạo khoảng trống cho 2 dây chuyền Filler thế hệ mới chuẩn bị lắp đặt. Công ty đang liên hệ với nhà cung cấp để nhập mua dây chuyền tuyển đá về nhà máy Nghệ An nhằm nâng cao công suất, dự kiến sẽ bổ sung doanh thu và lợi nhuận cho mảng sản phẩm từ đá CaCO3 trong 6 tháng cuối năm.

Trong một báo cáo mới đây, CTCK FPTS đánh giá khả quan với PLP nhờ lợi thế cạnh tranh khi sở hữu mỏ đá CaCO3 nên chủ động được nguồn nguyên liệu bột đá với chất lượng tốt. Việc tăng công suất nhà máy thêm 50% cũng tạo nên lợi thế và là động lực tăng trưởng chính cho công ty.

Đồng quan điểm với FPTS về triển vọng của Nhựa Pha Lê song CTCK VPBS đề cập đến rủi ro pha loãng của cổ phiếu. Do kế hoạch mở rộng sản xuất đầy tham vọng, PLP dự kiến tăng vốn lên gấp đôi thông qua phương thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Việc đầu tư dây chuyền sản xuất mới và ra mắt sản phẩm mới dự kiến sẽ chưa kích thích tăng trưởng lợi nhuận ngay trong những năm đầu tiên, do đó rủi ro pha loãng đối với cổ phiếu là khá đáng kể. Tuy nhiên do mức định giá PE danh nghĩa hiện tại còn thấp nên VPBS cho rằng kể cả sau pha loãng, mức định giá cổ phiếu cũng chưa phải là đắt.

Trường An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên