MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là điều chưa một hãng viễn thông nào trên thế giới thực hiện nhưng Viettel đang làm ở Myanmar để tạo lợi thế cạnh tranh

Theo nguồn tin từ Viettel, mạng di động mà tập đoàn này đầu tư với thương hiệu Mytel tại Myanmar là 4G Only (chỉ đầu tư hạ tầng 4G, bỏ qua 2G và 3G). Khoản tiền đầu tư cho hạ tầng viễn thông tại quốc gia này cũng là lớn nhất trong lịch sử đầu tư ra nước ngoài của Viettel.

Viettel thăm dò thị trường viễn thông Myanmar từ năm 2002 trước cả khi hình thành Ban quản lý dự án đầu tư ra nước ngoài. Nếu từ cột mốc này, nhà mạng quân đội đã mất thời gian tới 15 năm (tính tới thời điểm nhận giấy phép chính thức là năm 2017) để có được giấy phép đầu tư viễn thông tại Myanmar. Đây là khoảng thời gian dài nhất từ trước đến nay cho việc tìm kiếm một giấy phép ở nước ngoài.

Quốc gia này cũng là thị trường đông dân số nhất (hơn 62 triệu người), được đầu tư lớn nhất (dự án tới 2 tỷ USD) và hiện đại nhất (mạng 4G Only). Trên thế giới, mạng di động với thương hiệu Mytel mà Viettel đầu tư cũng là mạng 4G Only duy nhất, điều chưa từng bất cứ hãng viễn thông nào thực hiện. Nguồn tin từ Viettel cho biết, Myanmar là một thị trường cạnh tranh cao nhưng rất nhiều tiềm năng, vì vậy, Viettel cần phải tìm một cách làm khác biệt và có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ so với các đối thủ đã đến trước.

Một lãnh đạo cấp cao của Viettel cũng tiết lộ, trên thế giới, các hãng viễn thông lớn trên thế giới đều đã đầu tư vào hạ tầng trước đó và 4G cũng mới phổ biến trên thế giới. Với các mạng mới ra, không phải ai cũng dám quyết định đầu tư luôn cho 4G, bỏ qua 2G và 3G bởi còn phải tính toán đến việc đón đầu nhu cầu của người dùng có đúng thời điểm hay không và sự phổ biến của máy đầu cuối 4G.

"Điều khiến cho mạng 4G Only vô cùng đặc biệt ở Myanmar cũng như trên toàn thế giới: đây là một quốc gia còn nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đến khi Mytel chính thức cung cấp dịch vụ, giá của các thiết bị 4G đã rẻ đến mức có thể phổ cập được và 4G Only sẽ là sức cạnh tranh rất lớn cũng như khác biệt của Viettel tại Myanmar", vị lãnh đạo Viettel chia sẻ.

Tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, vào cuối năm 2015, hơn 5% của tất cả các thuê bao di động là 4G - một con số được dự kiến sẽ tăng đến hơn 40% trong năm 2021, theo Ericsson Mobility Report năm 2016.

Myanmar cũng đang trải qua một sự phát triển rộng rãi của thuê bao di động và chứng kiến nhu cầu cao ngày càng cao hơn cho dữ liệu di động. Các nhà mạng hiện có tại quốc gia này đang bước vào cuộc chạy đua nóng cho dịch vụ 4G. 2 trên 3 hãng viễn thông di động lớn nhất tại “xứ sở chùa vàng” đã cho ra mắt dịch vụ 4G ngay trong năm 2016.

Tháng 5/2016, hãng Ooredoo Myanmar đã đưa ra dịch vụ 4G LTE thương mại đầu tiên của nước này tại một số thành phố lớn là Naypyidaw, Yangon và Mandalay. Đến tháng 7/2016 thì nhà mạng Telenor thí mạng 4G tại Naypyidaw.

Thị trường viễn thông Myanmar là một thị trường mới mẻ và rất trẻ khi mật độ thuê bao mới chỉ đạt 58/100 (Việt nam là 140/100). Cơ hội cho Viettel là rất nhiều, nhưng nếu chỉ chọn “cách chơi” truyền thống là lắp đặt mạng 2G, 3G thì Viettel rất dễ bị đẩy thành kẻ đi sau, khi mà phân khúc này đã độc chiếm phân chia bởi 3 ông lớn khác (MPT, Ooredoo và Telenor).

Chia sẻ khi nhận giấy phép chính thức đầu tư vào Myanmar, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã khẳng định: “Quan điểm của Viettel từ trước đến nay là bắt đầu khai trương thì mạng lưới phải tốt hơn nhà mạng tốt nhất ở đó. Chúng tôi sẽ xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp trên toàn Myanmar, và sẽ cố gắng nỗ lực làm rất nhanh”.

Linh Bùi - H.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên