MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là những gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu Anh rời EU

24-06-2016 - 08:57 AM | Tài chính quốc tế

Nước Anh đang bắt đầu công bố kết quả kiểm phiếu và phe ủng hộ Brexit đã bất ngờ chiếm ưu thế. Khả năng Anh rời EU là hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trước tiên phải nói rằng từ trước đến nay chưa có nước nào bỏ phiếu rời EU như Anh và do đó chúng ta chưa thể biết rõ ràng chính xác mọi thứ sẽ được tiến hành ra sao.

Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon (vốn là cơ chế rời khỏi EU) để nước Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên ông có thể chọn cách khác là hủy bỏ đạo luật European Communities Act (được ban hành năm 1972) và đơn phương rút khỏi EU. Động thái này sẽ khiến các nước còn lại giận dữ.

Điều 50 hoạt động như thế nào?

Điều khoản này quy định cách mà nước Anh sẽ đàm phán để ra khỏi EU. Anh sẽ không đàm phán trực tiếp với các nước còn lại mà sẽ thảo luận với Hội đồng châu Âu (EC) để đưa ra một bộ khung trước khi bàn về những chi tiết cụ thể. Nghị viện châu Âu sẽ là nơi cuối cùng thông qua thỏa thuận này.

Bản thân các quy định nghe đã rất phức tạp và sẽ còn phức tạp hơn nữa bởi sự kiện một nước ra đi là chưa từng có tiền lệ. Không thể biết chính xác quá trình đàm phán mất bao lâu. Trong thời gian đàm phán Anh vẫn sẽ tuân theo những hiệp ước và luật lệ của EU nhưng không được tham gia vào quá trình lập pháp và đưa ra các quyết định chung của khối trừ khi các nước còn lại đồng ý.

Cần lưu ý rằng điều 50 không cho phép đảo ngược quá trình. Nếu Anh muốn quay lại, họ phải nộp đơn xin gia nhập lại từ đầu.

Sau đó thì sao?

Anh sẽ phải đưa ra ký kết những hiệp định thương mại hoàn toàn mới với châu Âu và sửa đổi lại hệ thống pháp luật. Việc này mất rất nhiều thời gian.

Nhiều người cho rằng EU sẽ trừng phạt Anh để răn đe các nước khác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các lãnh đạo châu Âu sẽ “nhẹ tay” vì không muốn thị trường náo loạn.

Ông Cameron phải từ chức?

Cuộc trưng cầu dân ý này chính là một canh bạc đối với Thủ tướng Anh. Nếu phe ở lại thất bại, ông cũng thua bạc và mất chức. Có thể ông Cameron sẽ không từ chức ngay mà chỉ đưa ra lộ trình. Ông có thể viện cớ rằng vì nền kinh tế bị ảnh hưởng quá mạnh vì Brexit, ông phải ở lại để giúp vực dậy xứ sở sương mù.

Boris Johnson, vị thị trưởng màu mè kiểu cách của London và có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong phong trào đòi ra đi, là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí người lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, thời gian tại vị của ông chắc chắn không kéo dài lâu.

Điều gì sẽ xảy ra trên thị trường tài chính?

Bất ổn sẽ bao trùm thị trường trong một thời gian dài và nhà đầu tư không thích điều này chút nào. George Soros cảnh báo đồng bảng có thế giảm 15 – 20% và thực tế là đến thời điểm này nó đã giảm 5%. Đồng euro cũng sẽ giảm giá ít nhất là trong ngắn hạn.

Ông George Osborne từng đưa ra kịch bản thị trường chứng khoán London có thể phải đóng cửa nếu phe ủng hộ Brexit chiến thắng. Chắc chắn sẽ có “sóng thần” trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

EU sẽ ra sao?

Tương lai vốn đã không mấy sáng sủa của Liên minh châu Âu trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết. Phong trào chống EU có thể bùng nổ trên lục địa già. Các cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy các nước như Pháp và Ý cũng muốn trưng cầu. Bức tranh chính trị ở châu Âu sẽ thay đổi hoàn toàn.

EU sẽ có thêm một vấn đề nhức nhối để giải quyết bên cạnh hàng tá rắc rối khác như khủng hoảng di cư, tình trạng kinh tế trì trệ và quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với Nga.

Thu Hương

Washington Post

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên