MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH lo đầu cơ, thổi giá đất trong giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, việc giải phóng mặt bằng được thực hiện trong 2 năm 2019 và 2020, trong đó kiến nghị áp giá mới cho năm 2020, có thể gây ra tình trạng đầu cơ, khiến giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

Trình bày ý kiến trong phiên thảo luận quanh Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh bày tỏ cơ bản thống nhất với một số nội dung trong tờ trình của Chính phủ.

Về tổng mức đầu tư dự án khoảng 111.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 của dự án, ông Ngân cho rằng mức này thì Quốc hội có thể phê duyệt trong nghị quyết. Trong Nghị quyết số 94 của Quốc hội khóa XIII đã ghi chú rất rõ là tổng mức đầu tư giai đoạn 1 không được vượt quá 114.000 tỷ đồng, tức là không được vượt quá 5,45 tỷ USD. Báo cáo nghiên cứu ở mức 111.000 tỷ đã dưới mức Quốc hội đã cho phép, cho nên Chính phủ có thể không cần phải xin Quốc hội ý kiến này.

Về điều chỉnh diện tích đất dành cho quốc phòng từ 1.050 ha xuống 570 ha dành cho đất quốc phòng và 480 ha vừa dành cho đất quân sự và đất dân dụng. "Tôi đồng tình vì có như vậy chúng ta mới khai thác hiệu quả. Chúng ta chỉ sử dụng khi nào đã khai thác hết công suất hoặc sử dụng khi cần thiết. Như vậy, chúng ta cũng đã ưu tiên cho đất quân sự, quốc phòng", ông Ngân chia sẻ.

Về bổ sung 2 tuyến đường số 1, 2 để kết nối với đường Quốc lộ 51 và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, ông Ngân bày tỏ sự đồng tình bởi sẽ phát huy hiệu quả nhanh dự án và đặc biệt là hỗ trợ cho công tác thi công, công tác thi công rất cần tuyến đường này.

"Nếu không có 2 tuyến đường này thì nhà nước cũng phải đầu tư riêng một khoản, như vậy rất chậm trễ. Do đó, đưa vào đây thì phù hợp, vừa đảm bảo thi công nhanh và hiệu quả. Cho nên tôi thống nhất nội dung thư thứ ba", ông Ngân cho biết.

Vị đại biểu quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình với việc Chính phủ chọn ACV và Tổng Công ty Quản lý bay làm nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Ngân cũng bày tỏ một số ý kiến. Về vấn đề đất sạch cho dự án, ông Ngân bày tỏ sự đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội về việc đảm bảo có quỹ đất sạch phục vụ dự án vào năm 2020.

"Đến giờ phút này chúng ta chỉ mới ước tính hết năm 2019 khoảng 15%. Trong kiến nghị đề nghị áp giá mới cho năm 2020, vấn đề này chúng ta sẽ rất nguy kịch cho việc đầu cơ, giải phóng mặt bằng rất khó khăn", ông Ngân nêu hiện trạng và đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giải quyết vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư một cách nhanh chóng nhất.

Bên cạnh đó, ngay cả khi làm tốt, làm hiệu quả, làm nhanh thì 6 năm nữa sân bay Long Thành mới có thể được đưa vào khai thác với công suất tối đa là 25 triệu lượt hành khách/năm. Từ nay tới đó, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục quá tải.

"Ở đây nói thật là lo lắm, khi đi mà máy bay phải bay vòng vòng trước khi đáp, rất là lo. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phải đẩy nhanh vấn đề mở rộng khai thác có hiệu quả Sân bay Tân Sơn Nhất", ông Ngân chia sẻ.

Vị đại biểu TP HCM cũng chia sẻ nhận định của các vị đại biểu quốc hội khác, nhấn mạnh đây là một dự án mà nhân dân mong đợi rất nhiều cho nên Chính phủ cần tập trung các nguồn lực để đảm bảo cho các công trình xây dựng chất lượng cao, hiệu quả, tránh những tiêu cực xảy ra trong quá trình thi công. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát các dự án này.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên