MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng cần cảnh giác với 5 thủ đoạn tinh vi phổ biến dưới đây

23-06-2022 - 14:35 PM | Kinh tế số

Để không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng cần cảnh giác với 5 thủ đoạn tinh vi phổ biến dưới đây

Giả danh công an, toà án, giả mạo cán bộ ngân hàng hay đại diện công ty điện lực, công ty của các sàn thương mại điện tử để lừa đảo đang là hình thức phổ biến hiện nay. Mọi người cần đề phòng cảnh giác 5 chiêu thức lừa đảo tinh vi cũng như cách để tránh mắc bẫy lửa đảo.

Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông, mới đây, đã tổng hợp lại xu hướng lừa đảo thời gian gần đây nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng trong thời gian gần đây. Trung tâm VNCERT/CC (trực thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiếp nhận các trường hợp lừa đảo, phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656.

5 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

Thủ đoạn đầu tiên của các đối tượng xấu là giả danh công an, tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. Đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

Với thủ đoạn thứ 2, các đối tượng xấu sẽ giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của người dùng đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, và để nhận được tài sản đó người dùng phải mất phí. Nếu đồng ý mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, người dùng bị "sập bẫy" lừa đảo. Ngay sau khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng, các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.

Một thủ đoạn cũng được nhiều đối tượng sử dụng thời gian qua là giả danh cơ quan điện lực, cấp nước sạch, thông báo người dân còn thiếu hóa đơn điện, nước và yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng lừa đảo đưa ra, nếu không sẽ bị cắt điện nước. Khi người dân nhẹ dạ, thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu, số tiền này ngay lập tức bị các đối tượng chiếm đoạt.

Thủ đoạn tiếp theo được Trung tâm VNCERT/CC cảnh báo tới người dùng là đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện cho người dân thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi… nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng những thông tin người dùng cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của nạn nhân.

Đáng chú ý với thủ đoạn cuối cùng, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của nhiều người, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng… và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn.

Ban đầu là những nhiệm vụ có giá trị nhỏ chỉ vài trăm nghìn, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Sau đó, cộng tác viên được yêu cầu thực hiện các bước như xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.

Ngay khi cộng tác viên đã cảm thấy hấp dẫn, dễ kiếm tiền, đối tượng sẽ mời chào làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao (vài chục triệu đồng). Sau khi thực hiện 1 giao dịch sẽ được thông báo cần phải thực hiện 2 đến 3 giao dịch mới được hoàn lại tiền, lúc đó nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền nữa và nhận ra mình bị lừa đảo. 

Một số cộng tác viên khác khi thực hiện theo đủ các giao dịch thì bị thông báo hệ thống đang bảo trì, tiếp theo bị chặn đầu mối liên hệ và bị chiếm đoạt tài sản.

Phải làm gì để không mắc bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát tài sản, VNCERT/CC khuyến nghị người dân thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông và cổng thông tin điện tử Chongthurac.vn.

Trường hợp nhận được các thông tin không chắc chắn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp qua các kênh thông tin chính thống để được kiểm chứng.

"Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo người dân nên phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin qua đầu số tin nhắn 5656 hay qua website, hoặc trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ", Trung tâm VNCERT/CC hướng dẫn.

https://cafef.vn/de-khong-bi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-qua-mang-can-canh-giac-voi-5-thu-doan-tinh-vi-pho-bien-duoi-day-20220623111006663.chn

Anh Tuấn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên