MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐỀ NGHỊ LẤY CÁT HỒ DẦU TIẾNG LÀM VÀNH ĐAI 3: Các bên liên quan nói gì?

18-04-2023 - 11:17 AM | Bất động sản

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và Bình Dương khẳng định ủng hộ đề nghị khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ thi công dự án Vành đai 3 của TP HCM.

Để dự án Vành đai 3 - TP HCM (gọi tắt Vành đai 3) bảo đảm kế hoạch khởi công trước ngày 30-6, mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tây Ninh, Bình Dương… đề nghị sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản là cát xây dựng, cát đắp nền tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ cho dự án.

Đồng thuận cao

Văn bản đề nghị của TP HCM cũng nêu rõ các địa phương liên quan chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng, gồm giấy phép khai thác, giấy phép thăm dò, trữ lượng quy hoạch, trữ lượng khai thác, thông tin về chủ mỏ cát. Đồng thời, phối hợp và hỗ trợ với Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án Vành đai 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn cát khu vực hồ Dầu Tiếng.

Nói về đề nghị trên của TP HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định tỉnh này hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ thi công Vành đai 3. "Bình Dương đã và đang làm hết sức để đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian nhằm bảo đảm yêu cầu công việc. Hiện UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tham mưu để có thể thực hiện sớm nhất có thể" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

ĐỀ NGHỊ LẤY CÁT HỒ DẦU TIẾNG LÀM VÀNH ĐAI 3: Các bên liên quan nói gì? - Ảnh 1.

Các địa phương sẵn sàng để khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng phục vụ thi công dự án Vành đai 3 - TP HCM

Dự án Vành đai 3 - TP HCM dài 76 km là công trình quan trọng quốc gia, chuẩn bị khởi công vào tháng 6-2023. Việc chuẩn bị đủ nguồn vật liệu là yếu tố rất quan trọng để thi công, bảo đảm hoàn thành dự án theo yêu cầu của Chính phủ. Theo ước tính, dự án Vành đai 3 - TP HCM cần 1,6 triệu m3 đất đắp, 7,2 triệu m3 cát đắp, hơn 1,4 triệu m3 cát xây dựng, 4,4 triệu m3 đá xây dựng.

Tương tự, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cũng khẳng định ủng hộ đề xuất trên của TP HCM và đang chỉ đạo các bên liên quan tiến hành rốt ráo.

Một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cho biết để đáp ứng yêu cầu cung cấp cát cho dự án như ý kiến của TP HCM, theo pháp luật của khoáng sản, tỉnh Tây Ninh đưa ra 2 phương án khả thi nhất. "Một là, doanh nghiệp trúng thầu hoặc doanh nghiệp nào thực hiện dự án có trách nhiệm mua lại cát của những doanh nghiệp có giấy phép khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng, tất nhiên phải qua đấu thầu. Hai là, đơn vị trúng thầu có trách nhiệm liên hệ doanh nghiệp đang có giấy phép khai thác để mua và nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện về giá cả, vận chuyển" - lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh nói.

Làm kỹ sẽ lợi đôi đường

Theo Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, hiện tại khu vực hồ Dầu Tiếng có 23 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Trong đó, tỉnh Tây Ninh nhiều nhất với 15 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động, sản lượng hằng năm khoảng 500.000 m3/năm. Theo đánh giá của địa phương này, trữ lượng cát còn lại khoảng 6,8 triệu m3.

Bình Dương có 7 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác cát với khoảng 400.000 m3/năm. Bình Phước có 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Phú Thọ, khai thác cát tại thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, tuy nhiên giấy phép đã hết hạn ngày 29-12-2022, hiện đang làm thủ tục gia hạn.

Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam (đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng), cho biết hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, là công trình hồ chứa nước nhân tạo điều tiết đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia, được đưa vào khai thác đến nay gần 40 năm, dung tích hồ 1,58 tỉ m3 nước. Mục tiêu chính là an ninh hồ đập và an ninh nguồn nước, cho nên việc cấp phép khai thác cát là mục tiêu phụ, thứ yếu, kết hợp.

Theo vị này, để việc khai thác cát không làm ảnh hưởng tới nhu cầu cấp nước, cần phải có đánh giá lại dung tích chứa, trữ lượng bùn cát trong hồ, ngưỡng khai thác (độ sâu) nhằm đưa ra giải pháp khai thác an toàn theo quy định. "Những vấn đề này nên lấy ý kiến đồng thuận của cơ quan chủ sở hữu đập là Bộ NN-PTNT để bảo đảm hài hòa các mục tiêu" - đại diện công ty nhấn mạnh và khuyến cáo cát là vật liệu không tái tạo nên cần đánh giá địa tầng, kích cỡ cát để bố trí kết cấu hạ tầng cho phù hợp tránh lãng phí trong điều kiện hiện nay. "Qua khảo sát sơ bộ của các địa phương, nhu cầu vật liệu đưa vào quy hoạch khoáng sản ở khu vực hồ Dầu Tiếng khoảng 16 triệu m3, lũy kế khai thác đến nay trữ lượng còn lại khoảng dưới 10 triệu m3. Nếu việc khai thác cát trong hồ được kiểm soát ngưỡng khai thác, độ sâu khai thác thì sẽ tăng dung tích, tuổi thọ hồ bảo đảm mục tiêu chính là tích nước. Do đó, nhà nước không phải bỏ kinh phí nạo vét mà vẫn tận thu được khoáng sản để phát triển kinh tế - xã hội" - lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam phân tích thêm. 

Bình Dương bảo đảm tiến độ

Đối với dự án Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, theo báo cáo của địa phương này, hiện đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ so với kế hoạch và mốc tiến độ đề ra. Cụ thể, Bình Dương đã hoàn thành bàn giao mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, thông báo thu hồi đất 1.566/1.568 hộ, đạt 99%; tổng kiểm kê 1.394/1.420 trường hợp, đạt 98%.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cũng đã lựa chọn xong 11 nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật - dự toán và đã trình Bộ GTVT thẩm định thiết kế kỹ thuật hạng mục cầu Bình Gởi và hạng mục nút giao Bình Chuẩn. Dự kiến sẽ khởi công dự án trước ngày 30-6.

Theo Thảo Nguyễn

Người lao động

Trở lên trên