MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3-5 năm cho hợp tác xã

Đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3-5 năm cho hợp tác xã

Đây là một trong những đề xuất của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững.

Vào ngày 5/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan có liên quan đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững".

Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã, sau 2 năm đối phó với đại dịch COVID-19, hiện nay có đến 90% hợp tác xã giảm doanh thu, thu nhập của người lao động trong hợp tác xã giảm khoảng 25%. Đặc biệt trong lĩnh vực phi nông nghiệp giảm đến 78% thu nhập.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, khó khăn của các hợp tác xã hiện nay là trong tiếp cận tín dụng và chi phí sản xuất đầu vào. Theo đó, giá cước vận tải, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng đến 41% và các chi phí sản khác đều tăng. 

"Khoảng 51,4% lao động tạm dừng việc làm hoặc việc làm chưa đầy đủ so với trước dịch bệnh. Xét về sản xuất, thu nhập và đầu ra tiếp tục khó khăn", ông Bảo cho hay.

Với Hợp tác xã nông nghiệp, do sức cầu giảm nên giá bán giảm, doanh thu giảm gần 30%. Từ đó chi phí, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng tăng. Hợp tác xã công công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chịu tác động của chuỗi cung ứng, thị trường và khó tiêu thụ sản phẩm nhất là các sản phẩm OCOP. Vận tải hành khách chưa phục hồi rõ. Hợp tác xã du lịch phục hồi chậm.

Bên cạnh đó, vẫn có các hợp tác xã có xu hướng phục hồi, như Hợp tác xã sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn đạt tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap vẫn tiếp tục duy trì được chuỗi liên kết và phục hồi tương đối nhanh.

Trước những khó khăn kể trên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị, trước mắt tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine, công bố công khai, cập nhật các phác đồ điều trị thuốc chữa COVID-19 để tạo tâm lý an tâm trong xã hội, thông tin nhanh nhất về các diễn biến của dịch bệnh, làm cho người dân có định hướng trong sản xuất và bảo vệ sức khỏe.

"Bên cạnh đó, cần phải thể chế hóa các chính sách hỗ trợ kịp thời, khắc phục những hạn chế trong công tác triển khai thực hiện chính sách", ông Bảo nhấn mạnh.

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam chỉ rõ, hiện nay, các chính sách của bộ ngành chưa quy định rõ đối tượng hợp tác xã, liên hợp tác xã nên vướng tại địa phương khi thực hiện. Do đó, đề nghị quan tâm đến đối tượng là hợp tác xã trong xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách.

Liên quan đến vấn đề vốn đối với hợp tác xã, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng cần quan tâm đến tín dụng nội bộ, có hợp tác xã vẫn dư vốn để hỗ trợ thành viên nhưng hiện chưa có cơ chế thực hiện; cùng với đó là Quỹ Tín dụng nhân dân cho vay ngoài thành viên ở địa bàn nông thôn.

"Nhất là hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mở rộng cho vay tín chấp đối với hợp tác xã, hộ nông dân, địa bàn nông thôn", ông Bảo nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian từ 3-5 năm cho hợp tác xã, thuế thu nhập cá nhân đối với thành viên góp vốn vào hợp tác xã để giúp hợp tác xã huy động thêm các thành viên tham gia.

Để giảm chi phí sản xuất, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần phải rà soát các chính sách giảm chi phí sản xuất như giống, phân bón, thức ăn gia súc…cũng như giải quyết khó khăn cho hợp tác xã khi tiếp cận nguồn lực đất đai cho sản xuất.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên