MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị triệu tập Hà Văn Thắm đến phiên xử phúc thẩm Phạm Công Danh

27-12-2016 - 14:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Lý do là ông Thắm có vai trò trong việc vay nợ giữa ông Danh và bà Hứa Thị Phấn - người đã bán ngân hàng Đại Tín cho ông Danh.

Sáng nay 27/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng kiêm chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh đã bắt đầu. Có tổng cộng 27 bị cáo trong tổng 36 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án, trong đó riêng Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn đề nghị tòa triệu tập ông Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng OceanBank – bị can vừa bị truy tố tại đại án Hà Văn Thắm. Lý do là ông Thắm có vai trò trong việc vay nợ giữa ông Danh và bà Hứa Thị Phấn (người đã bán ngân hàng Đại Tín cho ông Danh).

Ngoài đề nghị triệu tập ông Hà Văn Thắm, các luật sư còn đề nghị triệu tập cả ông Trần Quý Thanh và con gái ông Thanh là Trần Ngọc Bích. Nhưng ông Trần Quý Thanh không có mặt và ủy quyền cho người khác.

Tòa cũng triệu tập bà Hứa Thị Phấn nhưng bà Phấn xin xét xử vắng mặt.

Đối với Phạm Thị Trang tức Trang Phố Núi, bị can này có đơn xin xử vắng mặt, có chứng nhận của Tổng lãnh sứ quán của Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ.

Ngoài ra, luật sư còn đề nghị triệu tập đại diện nhóm Phương Trang và nhóm Phú Mỹ song Tòa cho biết các đề nghị này, cùng với đề nghị triệu tập Hà Văn Thắm, sẽ được xem xét quyết định trong quá trình xét xử.

Mối quan hệ giữa ông Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn – là chủ cũ của ngân hàng Đại Tín đã được nhắc đến nhiều trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm, đồng thời cũng được đề cập trong cáo trạng vụ Hà Văn Thắm.

Theo kết luận của cơ quan điều tra thì đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng này về Oceanbank, ông Thắm gặp bà Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng Đại Tín cho ông Thắm. Ông Thắm đã gây sức ép bằng việc đưa ra những sai phạm trong quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại ngân hàng này... để yêu cầu bà Phấn phải chuyển nhượng cổ phần cho Ngân hàng Đại Tín.

Tháng 2/2012, bà Phấn giao cho cấp dưới ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84,92% vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín cho ông Hà Văn Thắm, kèm theo việc Chủ tịch Oceanbank phải chịu trách nhiệm trả nợ và được sở hữu tài sản từ các khoản vay hơn 3.553 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín.

Ông Thắm sau đó cho người vào quản lý ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Quá trình tiếp quản, ông Thắm nhận thấy ngân hàng này có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi.

Chủ tịch HĐQT Oceanbank lập tức tính toán việc chuyển nhượng số cổ phần của ngân hàng này cho Phạm Công Danh.

Hà Văn Thắm quen biết với Phạm Công Danh qua giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng giám đốc Oceanbank. Hai bên đã thống nhất sau khi hoàn tất thủ tục ông Danh vào tiếp nhận, điều hành và đổi tên ngân hàng Đại Tín thành Ngân hàng TMCP Xây Dựng. Tuy nhiên, ông Phạm Công Danh cũng không trả tiền cho bà Phấn, chưa trả cho ông Thắm 800 tỷ đồng như thoả thuận.

Theo kết luận điều tra, nếu giao dịch của bà Phấn, ông Thắm và ông Danh không thực hiện sẽ không thể thanh khoản được các khoản vay có dư nợ lớn, dư nợ xấu của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín. Điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cơ cấu và sáp nhập ngân hàng Đại Tín vào ngân hàng khác.

Nếu điều này xảy ra, việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín giữa bà Phấn, ông Thắm và ông Danh sẽ không thực hiện được và mọi thỏa thuận sẽ không thành công. Để tránh việc đó, ba người họ thống nhất Oceanbank sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn.

Ông Danh và Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Công ty Trung Dung để vay (công ty mà Phạm Công Danh nhờ lái xe đứng tên làm giám đốc). Tại cơ quan công an, ông Thắm khai đã cùng với cấp dưới ký quyết định cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng dù số tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho vay nhưng ông Thắm và cấp dưới đã chấp thuận giải ngân số tiền này.

Ngoài những nội dung trên, Hà Văn Thắm còn khai nhận tổng giá trị của số tài sản để làm đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung là 482,556 tỷ đồng còn ít hơn số tiền cho vay đã giải ngân là 17,444 tỷ đồng. Như vậy là trái với quy định về quy chế cho vay của NHNN của Oceanbank và các quy định của pháp luật... Ông Thắm là người chủ trương và quyết định Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, đến nay Oceanbank không thu hồi được.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên