Để tiền nhàn rỗi không chảy vào vàng
Phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, thị trường trái phiếu bền vững... sẽ góp phần nắn dòng vốn nhàn rỗi vào đa dạng các kênh đầu tư
Xung quanh việc tìm giải pháp quản lý khi giá vàng liên tục "nhảy múa", Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia.
Không gây áp lực lên tỉ giá
Ngày 5-3, giá vàng miếng SJC tiến sát vùng 81 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn 24K lập đỉnh mới quanh 68,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch ở mức 2.116 USD/ounce, tương đương chỉ khoảng 63,3 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỉ giá niêm yết. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng ngày càng giãn rộng, tăng từ 12-13 triệu đồng/lượng hồi đầu năm 2023 lên mức kỷ lục 17-19 triệu đồng/lượng hiện nay.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, người sáng lập TOPI - nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân, giá vàng trong nước tăng mạnh do ảnh hưởng từ đà tăng của vàng thế giới khi nhiều ngân hàng trung ương gia tăng mua vàng để cân bằng danh mục đầu tư. Ở trong nước, nhu cầu cũng tăng mạnh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. "Lãi suất tiền gửi ngân hàng đang thấp nên với những khoản đáo hạn, người dân có xu hướng chuyển một phần sang kênh đầu tư khác, trong đó có vàng" - ông Tuấn chỉ ra.
Đáng chú ý, dù nhu cầu tăng vọt và chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới ở mức kỷ lục nhưng lại không gây áp lực lên tỉ giá. "Thông qua quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát tín hiệu cho việc bán ngoại tệ để nhập khẩu vàng, nhờ đó dập tắt khả năng đầu cơ vào tỉ giá. Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã góp phần chống vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế" - TS Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình Cử nhân Tài chính ứng dụng - ĐH Rennes, nhận định.
Cần công cụ thuế để điều tiết
Để bình ổn thị trường vàng, nhiều ý kiến đề xuất xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng của NHNN và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN đang xem xét sửa Nghị định 24/2012. Cơ quan này cũng đã có tờ trình kiến nghị Thủ tướng giao NHNN làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp theo quy định tại Nghị định 24/2012. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, đặc biệt là vàng miếng; thống nhất với Bộ Công an các giải pháp quản lý thị trường vàng trong quý I/2024. Đặc biệt, sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24/2012 để trình Chính phủ.
Giới chuyên gia góp ý nên nghiên cứu sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường vàng. Một chuyên gia so sánh: Cả người mua và người bán vàng đều không phải đóng thuế khi giao dịch - bao gồm thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp cũng không bắt buộc phải xuất hóa đơn. Trong khi đó, nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản đều phải đóng thuế. "Vàng dù không phải là phương tiện thanh toán, các ngân hàng không huy động và cho vay vàng nhưng đây vẫn là một loại tiền tệ cần được quản lý. Đến lúc cần điều tiết thị trường vàng bằng công cụ thuế để tạo công bằng" - chuyên gia này nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn gợi ý Nhà nước có thể tham khảo chính sách quản lý thị trường vàng thông qua đánh thuế của Ấn Độ - quốc gia có nhu cầu đầu tư vàng rất lớn. "Vấn đề cốt lõi là Việt Nam định hướng quản lý thị trường vàng theo mục tiêu nào? Cần hướng nguồn lực vào phát triển kinh tế, đồng thời ở góc độ nào đó cũng nên coi vàng là tài sản phòng thủ. Khi lãi suất thấp, nhu cầu đầu tư vào kênh vàng của người dân là chính đáng, do đó cần quản lý theo hướng tiếp cận thị trường và sử dụng công cụ điều tiết" - ông Tuấn nói.
Ở góc độ vĩ mô, chống vàng hóa nền kinh tế không chỉ là nhiệm vụ của NHNN mà đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc hình thành những kênh đầu tư hấp dẫn để hút dòng vốn. Chẳng hạn, phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, trong sạch; phát triển thị trường trái phiếu có sức hấp dẫn; xây dựng môi trường đầu tư khuyến khích khởi nghiệp... "Khi đó, người dân sẽ không mua vàng về cất tủ, bỏ két với kỳ vọng giá tăng dẫn đến dòng vốn bị đọng lại thay vì quay vòng, chảy vào nền kinh tế" - TS Lê Đạt Chí nói.
Không nên lập sàn giao dịch vàng
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng giải pháp lập sàn giao dịch vàng vật chất là không cần thiết. Việc này đi ngược với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế từ hơn chục năm qua.
"Thế giới hiện cũng không theo xu hướng lập sàn giao dịch vàng. Ấn Độ, Trung Quốc đã lập sàn vàng nhưng điều chỉnh sang hướng khuyến khích giao dịch bằng vàng tài khoản nhiều hơn, qua đó kích thích giao dịch không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế" - TS Cấn Văn Lực dẫn chứng.
Người lao động